152 nước trên thế giới phải đối mặt với vấn đề buôn người
Buôn bán người là vấn đề xã hội mang tính xuyên quốc gia. Hiện khoảng 152 nước trên thế giới phải đối mặt với vấn đề này.
Buôn bán người có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để chuyển giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp hoặc môi giới để thực hiện hành vi buôn bán, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi chuyển giao để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Một người có thể được xác định là nạn nhân khi có một trong những căn cứ sau: Người đó là đối tượng bị mua bán, chuyển giao, tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; người đó là đối tượng bị tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Những năm gần đây, tình trạng mua bán người thường thông qua việc đưa người di cư trái phép từ các nước châu Á, châu Phi sang các nước châu Âu.
Theo số liệu của Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNOCD), trên thế giới, hiện khoảng 244 triệu người di cư và số người này vẫn tiếp tục gia tăng do tác động của các vấn đề xã hội như: Khủng bố, nội chiến, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia, dịch bệnh…
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Song số vụ việc được đưa ra "ánh sáng" vẫn ở mức thấp so với thực tế và những đối tượng này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Kiên quyết đấu tranh chống đưa người di cư trái phép và buôn bán người
Việt Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kong là một trong những điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp.
Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và buôn bán người.
Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai chương trình phòng chống buôn bán người giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, như tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành, cải thiện công tác thống kê, đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, và truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức về mua bán người.
Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM), theo quyết định được Chính phủ ban hành từ ngày 20/3/2020, nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Kể từ năm 2011, Việt Nam đã có Luật phòng chống mua bán người, các quy định để xử lý loại tội phạm nguy hiểm và phi nhân tính này. Cơ quan chức năng cũng nỗ lực trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc mua bán người.
"Lấy nạn nhân là trung tâm" được xác định là nguyên tắc của các lực lượng chức năng Việt Nam trong điều tra, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Nhờ đó, nhiều đường dây buôn bán người bất hợp pháp liên tục bị triệt phá nhờ sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Trong quý I năm 2023, lực lượng Cảnh sát hình sự đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động nắm chắc tình hình tội phạm mua bán người, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi trong nội địa và ra nước ngoài.
Toàn quốc phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 118 nạn nhân bị mua bán. Trong đó, mua bán người: 31 vụ/70 đối tượng; mua bán người dưới 16 tuổi: 25 vụ/80 đối tượng; mua bán người trong nội địa: 28 vụ/99 đối tượng/51 nạn nhân (xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Tuyên Quang); mua bán người ra nước ngoài: 28 vụ/51 đối tượng/67 nạn nhân.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự xác lập mới 2 chuyên án đấu tranh với đường dây tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người xảy ra tại Tuyên Quang và các địa phương có liên quan; chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán người dưới 16 tuổi. Kết quả, bắt 5 đối tượng…
Công an các địa phương đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người và các hành vi phạm tội khác có liên quan đến mua bán người. Điển hình: Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện điều tra 7 vụ, 19 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân. Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, điều tra 6 vụ, 29 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân. Công an TP Hà Nội phát hiện điều tra 4 vụ, 16 đối tượng, lừa bán 9 nạn nhân. Công an tỉnh Hà Giang phát hiện, điều tra 4 vụ, 5 đối tượng, lừa bán 4 nạn nhân. Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, điều tra 4 vụ, 13 đối tượng, lừa bán 20 nạn nhân; Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá 1 đường dây mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, bắt, khởi tố 6 đối tượng…
Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tội phạm này, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, diễn biến và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan (như tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, môi giới hôn nhân bất hợp pháp, mua bán bộ phận cơ thể người), nhất là các phương thức, thủ đoạn mới để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong nội địa.
Cục Cảnh sát hình sự tham mưu lãnh đạo Bộ cử thành viên và chuẩn bị nội dung tham gia 3 Đoàn khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2022 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại 9 địa phương; phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an hoàn thiện Kế hoạch lập Hồ sơ xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Thực hiện kế hoạch số 1326 giữa Cục Cảnh sát hình sự và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng về phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2021-2025, dự thảo kế hoạch điều tra, khảo sát và tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm mua bán người năm 2023 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự - Bộ đội Biên phòng - Tòa án nhân dân - Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và các đơn vị có liên quan trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết phát hành App phần mềm “Người trợ lý ảo” tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, mua bán người và dự thảo kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng Công an cấp cơ sở phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để xâm hại trẻ em, mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người, kế hoạch điều tra khảo sát tuyến Việt Nam- Lào về phòng, chống tội phạm mua bán người…