Thủy sản là ngành mũi nhọn của thị trấn Rạch Gốc, đóng góp nhiều nhất trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, khai thác thủy sản đem lại sản lượng cao trong tổng sản lượng thủy sản của thị trấn.

Năm 2012, toàn thị trấn có 202 phương tiện khai thác thủy sản. Trong đó có 40 phương tiện dưới 20CV, 73 phương tiện từ 20 - 45 CV, 31 phương tiện 45 - 90CV, 58 phương tiện từ 90CV trở lên. Nghề lưới kéo (cào) có đến 40 phương tiện, 34 phương tiện làm nghề đáy có nguy cơ sát hại nguồn lợi thủy sản cao.

Từ năm 2012, địa phương đã triển khai hoạt động chuyển đổi ngành nghề khai thác thủy sản kém hiệu quả sang nghề khai thác có hiệu quả, ít sát hại nguồn lợi thủy sản.

Sau hơn 10 năm thực hiện chuyển đổi ngành nghề, thị trấn Rạch Gốc đã chuyển đổi được 56 phương tiện. Trong đó, chuyển đổi sang dịch vụ hậu cần nghề cá 14 phương tiện, chuyển sang nghề câu mực được 18 phương tiện, chuyển sang nghề lưới 22 phương tiện, nghề câu mồi 2 phương tiện, chuyển nghề khác như nuôi trồng, chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ 32 hộ tương ứng 37 phương tiện.

Đến cuối năm 2022, trong tổng số 129 phương tiện có 79 phương tiện trên 90 CV, 44 phương tiện từ 45 - 90CV; 5 phương tiện từ 20 - 45CV; chỉ còn lại 1 phương tiện dưới 20CV. Phương tiện làm nghề lưới kéo (cào) chỉ còn 3 phương tiện, giảm 37 phương tiện so với năm 2012.

anh bai 1.jpg
Thủy sản là ngành mũi nhọn, đóng góp nhiều nhất trong phát triển kinh tế của địa phương.

Theo Ủy ban nhân dân Thị trấn Rạch Gốc, tới nay, hoạt động chuyển đổi ngành nghề khai thác thủy sản kém hiệu quả sang nghề khai thác có hiệu quả, ít sát hại nguồn lợi thủy sản, bước đầu đã đem lại hiệu quả khá cao. 

Trong thời gian chuyển đổi của nghề dịch vụ hậu cần, câu mực, nhiều hộ đã có thu nhập cao và đã có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển nghề khá nhanh. Điển hình như hộ ông Lưu Minh Đương (ở khóm 1) từ 1 phương tiện đã phát triển lên 3 phương tiện; hộ ông Huỳnh Văn Nhì (ở khóm 1) từ 1 phương tiện phát triển thành 2 phương tiện. Ngoài ra, nghề lưới chét đang phát triển có sản lượng khai thác khá và lợi nhuận cao so với các nghề khai thác khác.

“Đạt được những kết quả trên, trước hết là do người dân làm nghề khai thác thủy sản đồng thuận cao đối với công tác chuyển đổi ngành nghề. Đa số ngư dân đồng tình với sự đánh giá khái quát của chính quyền địa phương về tình hình khai thác thủy sản hiện nay, sự suy giảm về nguồn lợi thủy sản, năng suất khai thác giảm. Do đó, người dân đều thống nhất và nhiệt tình tham gia chuyển đổi khi có điều kiện”, đại diện Ủy ban nhân dân Thị trấn Rạch Gốc cho biết. 

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban nhân dân Thị trấn Rạch Gốc cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác chuyển đổi ngành nghề còn gặp phải những khó khăn nhất định. 

Chẳng hạn, đa phần các phương tiện nhỏ đã xuống cấp, ngư lưới cụ thiếu thốn nhưng vốn đầu tư không có. Từ đó, công tác chuyển đổi ngành nghề các phương tiện nhỏ khai thác gần bờ kém hiệu quả và sát hại nguồn lợi thủy sản còn hạn chế.

Một số phương tiện nhỏ không có khả năng chuyển đổi sang nghề khai thác khác, phải chuyển đổi làm nghề khác như chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và buôn bán nhỏ.

Tay nghề và kinh nghiệm sản xuất cũng là nguyên nhân hạn chế trong chuyển đổi. Đa phần những nghề chuyển đổi có hiệu quả cao là nghề mới, đòi hỏi tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, trong khi người dân lại chưa có tay nghề và kinh nghiệm khi áp dụng vào sản xuất. 

“Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi nghề khai thác thủy sản trong thời gian tới, rất mong Ban Chỉ đạo cấp huyện hỗ trợ chúng tôi trong việc tận dụng các nguồn hỗ trợ vốn từ các dự án; lập phương án cho hộ dân vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp để đầu tư chuyển đổi ngành nghề”, Ủy ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc đề xuất.

Thanh Hà và nhóm PV, BTV