Đa số những đơn vị chấp nhận tiền điện tử như một công cụ thanh toán đã nhận thấy tác động tích cực đối với chỉ số khách hàng như tăng trưởng cơ sở khách hàng, nhận thức về thương hiệu…
Cuộc khảo sát của Deloitte cũng cho thấy hơn một nửa số nhà bán lẻ lớn có doanh thu trên 500 triệu USD đang chi từ 1 triệu USD trở lên để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm hiện thực hóa kế hoạch trên. Các đơn vị bán lẻ này hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ mỹ phẩm, hàng hóa kỹ thuật số, điện tử, thời trang, cho đến thực phẩm, ăn uống…
Bất chấp việc thị trường Bitcoin , tiền ảo có những biến động lớn, có nhiều đồng coin hoặc stablecoin như TerraUST, TerraLUNA thậm chí đã sụp đổ, bốc hơi với mức giá gần về 0 nhưng sự quan tâm của những nhà đầu tư với tiền ảo và không gian fintech vẫn gia tăng. Chính sự quan tâm này thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, ngân hàng, tổ chức tài chính phải cân nhắc đến việc chấp nhận thanh toán để gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường.
Về phía các cơ quan quản lý, điều quan trọng vẫn là có cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác, đầu tư, thanh toán bằng tiền điện tử. Việc thiếu khung pháp lý có thể dẫn tới việc tiền ảo bị lợi dụng cho các hoạt động phạm pháp, rửa tiền.
Liên quan tới giá trị đồng Bitcoin, sáng nay, giá Bitcoin đã lao dốc không phanh. Bitcoin có thời điểm chạm 24.900 USD, theo CoinDesk. Đây là mức thấp nhất 18 tháng của tiền số giá trị nhất thế giới. Nguyên nhân là báo cáo lạm phát Mỹ tháng 5 công bố cuối tuần trước khiến nhà đầu tư tiếp tục rời bỏ tài sản rủi ro, như cổ phiếu và tiền số.
Trong một tháng gần đây, giá đồng tiền này đã giảm khoảng 17%. Giá Bitcoin hiện thấp hơn 60% so với mức đỉnh lịch sử hơn 68.000 USD được thiết lập hồi cuối năm ngoái.
(Theo VTVDigital)
Bitcoin giảm 15%, thủng mốc 24.000 USD khi các nhà đầu tư đua nhau bán tháo
Bitcoin giao dịch dưới mốc 24.000 USD trong ngày 13/6, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 khi các nhà đầu tư đua nhau bán tháo.