"Tới đây, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo riêng trong thực hiện chuyên đề về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với thanh thiếu niên, trong đó nhấn mạnh tập trung đối với trẻ từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi", ông Hùng cho hay. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và TNGT cao nhất trong nhóm học sinh, sinh viên trên cả nước.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm chiếm tỷ lệ 35,5%.
Các nguyên nhân thương tích thường gặp đối với học sinh là tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, bạo lực hoặc do tiếp xúc với các vật nổ như pháo và bao gồm cả trường hợp thương tích do hành động tự tử gây ra.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 563 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh làm 329 em tử vong, 528 em khác bị thương.
"Các em đều là những mầm non tương lai của đất nước, mất mát này rất đau xót", ông Huy nói tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023. Theo Đại tá Huy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để kiềm chế và kéo giảm TNGT liên quan đến thanh thiếu niên trong thời gian tới đây.
Nhận định về con số này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia, cho biết số học sinh tử vong do TNGT trong 9 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu tăng so với năm 2022.
Dù đã có nỗ lực rất lớn tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông trong nhà trường, ký cam kết tuân thủ pháp luật với gia đình vào dịp mỗi đầu năm nhưng vẫn còn những phụ huynh không nêu gương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thậm chí, còn nhiều trường hợp giao xe mô tô, xe gắn máy cho trẻ em không có giấy phép lái xe.
Theo ông Hùng, quá trình điều khiển phương tiện, nhiều em tụ tập lạng lách, đánh võng gây ra TNGT. Nhiều vụ thương tâm gây hậu quả nghiêm trọng làm chết nhiều cháu như vụ TNGT xảy ra ở Hà Giang vừa qua.
Đại tá Phạm Quang Huy cho biết thêm, thời gian qua xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên tổ chức tụ tập, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, đua xe, cầm dao, cầm vũ khí thô sơ di chuyển trên đường, sau đó quay video đăng lên Facebook, TikTok câu like, câu view, thậm chí có trường hợp còn quay video dạy giới trẻ cách đánh võng, nằm trên xe điều khiển mô tô.
"Những video này đã ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ và tạo ra những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm. Đây là những tư duy sai lầm của giới trẻ", ông Huy nhìn nhận.
Cơ quan công an cũng xác định cần phải xử lý từ gốc rễ của vấn đề, tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát các trang mạng xã hội để tìm những nhóm đối tượng có dấu hiệu tổ chức đua xe, đánh võng để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi công tác xử lý những vi phạm này, tạo sự lan toả và nâng cao ý thức chấp hành của thanh thiếu niên. Về phía gia đình, phụ huynh cần quản lý chặt chẽ con em, tránh để các cháu sử dụng phương tiện tham gia các tổ chức hội nhóm tụ tập vi phạm giao thông dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa phương, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng các địa phương cần vừa tuyên truyền, vừa có các hoạt động xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh.