Thông tin các trạm y tế tại TP.HCM cạn kiệt thuốc Molnupiravir khiến nhiều người dân thấp thỏm. Nhiều F0 không được cấp thuốc đặc trị dù sẵn sàng ký vào cam kết sử dụng theo quy định.
Nắm bắt nhu cầu trên, hàng loạt trang Facebook bắt đầu rao bán rầm rộ thuốc trị Covid-19 với nhãn mác Molnupiravir 200mg. Không ít trong số đó là các tài khoản “ảo”.
Mua bán thuốc điều trị Covid-19 trên Facebook. |
Gõ “mua thuốc Molnupiravir” trên thanh tìm kiếm Facebook, hàng chục kết quả có nội dung rao bán loại thuốc đặc biệt này hiện ra. Giá thành chênh lệch khá nhiều, từ 3,6 triệu đồng/lọ đến 9,5 triệu đồng/lọ.
Chị P.T.L là F0 cách ly tại nhà ở TP Thủ Đức từ ngày 25/11. Khi tìm hiểu, chị L. nhận ra, nhu cầu mua thuốc rất nhiều. Không ít người cho biết đã mua thành công, nên chị hy vọng mình cũng may mắn như thế, dù thuốc có giá cao.
“Tâm lý của F0 là cần thuốc đặc trị, tôi cũng sợ chết. Tôi đạt các tiêu chuẩn dùng thuốc C, sẵn sàng ký giấy cam kết nhưng phường không cấp vì lý do hết thuốc. Tôi phải lo cho sức khỏe của mình”, chị L. chia sẻ.
Thế nhưng, chị vô tình biến mình thành con mồi cho những kẻ trục lợi trên sức khỏe đồng bào.
Chị L. nhanh chóng tìm được một người bán thuốc trên Facebook có địa chỉ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.
Người này cho biết, thuốc Molnupiravir được nhập khẩu từ Ấn Độ, có tên thương mại là Molaz, đóng gói 40 viên/hộp. Một hộp có thể dùng cho 2 bệnh nhân Covid-19 trong 5 ngày. Chị L. phải bỏ ra 9,5 triệu đồng nếu muốn mua để chữa bệnh.
Khi F0 lo ngại thuốc có tên khác với loại được trạm y tế cấp phát, người bán trấn an: “Tất cả đều là Molnupiravir nhưng loại miễn phí do Việt Nam sản xuất còn Molaz của Ấn Độ. Hàng nhập khẩu bao giờ cũng tốt hơn so với hàng trong nước”.
Thuốc Molaz được đóng gói trong lọ, do đó không thể bán lẻ. Người bán tư vấn, dù gia đình chỉ có 1 F0, cũng nên mua dư “để dành dùng khi trở nặng".
Người bán khẳng định, loại thuốc này nhập từ Ấn Độ, tốt hơn thuốc đang cấp phát miễn phí. |
Với các khách hàng không có khả năng mua loại đắt tiền, người này cho biết vẫn có lựa chọn mềm hơn.
“Thuốc Molnupiravir của Bangladesh rẻ hơn, đóng gói 10 viên/vỉ. Chị mua 2 vỉ đủ dùng cho một người mà giá chỉ còn 5 triệu đồng. Nhưng thuốc của Ấn Độ vẫn tốt hơn”.
Người này khẳng định, đây đều là thuốc kháng virus được chuyển giao công nghệ cho các quốc gia sản xuất, đảm bảo về chất lượng, thậm chí vượt trội hơn loại cấp phát miễn phí.
“Thuốc có sẵn, ship tận nơi cho F0 đang cách ly”, người bán nói.
Không nên mua thuốc trôi nổi
Bác sĩ Phạm Xuân Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức (TP.HCM) đặc biệt lo lắng về tình trạng trên. “Rất tội cho người dân khi mua phải những loại thuốc đó”.
Ông khẳng định, tất cả các thuốc Molnupiravir đang được quảng cáo, rao bán đều bất hợp pháp, không được cấp phép và rất dễ làm giả.
Thuốc kháng virus có tác dụng giảm tải lượng virus, nằm trong chương trình do Bộ Y tế thực hiện thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ ở 22 địa phương (tính đến đầu tháng 11), trong đó có TP.HCM. Thuốc Molnupiravir được cấp có hàm lượng 200mg và 400mg.
Bác sĩ Phạm Xuân Hải cho biết, 100% thuốc trong chương trình thử nghiệm đều có mã số quy định riêng. Người bệnh không thể dựa trên mẫu mã để phân biệt vì tên thương mại hay quy cách đóng gói có thể bị làm giả nhanh chóng.
Thuốc được cấp phát, sử dụng có kiểm soát và các tiêu chuẩn chặt chẽ. |
Thuốc Molnupiravir được cấp phát có nội dung “Thuốc dùng trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng - Không sử dụng cho mục đích khác”.
Đây là loại Molnupiravir được sản xuất tại Việt Nam, đóng gói 2 vỉ/hộp, 10 viên/vỉ, loại 400mg.
Ngoài ra, còn có thuốc Molcovir 200mg (Molnupiravir) của Ấn Độ. Hộp dán tem rời có thông tin về xuất xứ, nhà tài trợ và “Thuốc dùng cho thử lâm sàng. Cấm dùng cho mục đích khác”. Hộp đóng gói 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên, loại 200mg.
“Chắc chắn thuốc phải có dán tem cảnh báo đồng thời được cấp phát miễn phí. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu sử dụng thuốc trôi nổi bên ngoài”, bác sĩ Hải cảnh báo.
Ông khẳng định, thuốc giả, thuốc trôi nổi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Ngay cả thuốc Molnupiravir cũng có tỷ lệ người bệnh bị dị ứng với một số triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, mẩn ngứa…
Bên cạnh đó, thuốc thử nghiệm có các tiêu chuẩn kiểm soát rất chi tiết, chặt chẽ: khi có chỉ định chuyên môn của bác sĩ và sự đồng thuận của bệnh nhân, chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận…
Nếu không có chỉ định và sự theo dõi sát sao, người bệnh có thể bị đe dọa sức khỏe mà không được can thiệp kịp thời.
Người bệnh Covid-19 được chăm sóc, theo dõi tại các điểm cách ly xã, phường hoặc quận, huyện. |
Từ khi TP.HCM thí điểm điều trị có kiểm soát, Bộ Y tế đã cấp 110.000 liều cho TP (gồm 50.000 liều Molnupiravir 400mg Stella Việt Nam và 60.000 liều Molnupiravir 200mg Optimus Ấn Độ). Sắp tới, sẽ cấp thêm 120.000 viên Favipiravir (cũng là thuốc khác virus).
Bên cạnh đó, thuốc Molnupiravir đã chính thức được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19. Bộ Y tế đang xem xét trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.
Nếu được chấp thuận, dự kiến có 5 số đăng ký được cấp cho 5 thuốc Molnupiravir do các công ty dược trong nước sản xuất.
Một bác sĩ điều trị Covid-19 cho biết, khi thuốc đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị, người dân có thể yên tâm về nguồn thuốc chính thức, hợp pháp, dồi dào từ trong nước.
“Người dân cần hết sức bình tĩnh, kẻo tiền mất, tật mang”, bác sĩ này chia sẻ.
Linh Giao
Cấp 120.000 viên Favipiravir cho TP.HCM thay thế túi thuốc C
Túi thuốc C Molnupiravir đang thiếu ở nhiều quận, huyện tại TP.HCM. Bộ Y tế cho biết sẽ cấp thuốc kháng virus khác để bổ sung. Trong khi đó, Hội đông y hỗ trợ thực phẩm chức năng cho F0 tại nhà.