Sau khi chia tách và tiến hành tái cơ cấu, khó ai còn nhận ra diện mạo của VNPT, VTC, VNPost hay MobiFone.

{keywords}

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc

Có thể nói, hoạt động sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT là một trong những điểm sáng nhất của bức tranh toàn cảnh ngành CNTT - TT năm qua. Không chỉ giúp cho các doanh nghiệp có một tình hình tài chính lành mạnh, hiệu quả hơn, sự sắp xếp, tái cơ cấu này còn đảm bảo cho thị trường vĩ mô có được sự cạnh tranh lành mạnh, bền vững giữa những đấu thủ "ngang tài, ngang sức".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không giấu được sự ấn tượng của mình với hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp của ngành TT&TT trong năm 2015. "Làm rất căn bản, hiệu quả rõ rệt" là những gì mà ông ghi nhận khi nhìn vào kết quả kinh doanh, hoạt động khởi sắc mạnh mẽ của các doanh nghiệp kể trên....

VNPT: Không còn sức ì

"Sau khi tách MobiFone, cứ nghĩ VNPT sẽ gặp khó khăn. Nhưng Tập đoàn vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí còn thành lập 3 Tổng công ty mới là VNPT Net, VNPT VinaPhone, VNPT Media, hình thành nên 3 lớp hạ tầng - kinh doanh - dịch vụ để đảm bảo tính "chuyên nghiệp, chuyên biệt và hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá. Với việc Tổng công ty VNPT VinaPhone chính thức ra mắt và toàn bộ 63 khối kinh doanh của các viễn thông tỉnh, thành được chuyển giao về VinaPhone, hệ thống kênh bán hàng của VNPT đã được hình thành thống nhất, xuyên suốt trên phạm vi toàn quốc, không còn "sức ì" cố hữu của một Tập đoàn nhà nước nữa.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ, VNPT cũng đã hoàn thiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2014-2017; trình Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT; Tổng giám đốc Phạm Đức Long cho biết sau khi tái cơ cấu, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kinh doanh, các cơ chế kinh tế nhằm ổn định SXKD, tạo động lực cho các đơn vị tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh đã được xây dựng và ban hành triển khai như thẻ điểm BSC, chấm điểm KPI, xây dựng Quy chế về hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo... 

Các chỉ số tài chính của Tập đoàn trong năm qua đã phản ánh rõ sự đúng hướng của các quyết sách này: không chỉ cơ bản hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014 - 2015 trong năm 2015, VNPT cũng đã ghi nhận mức tổng lợi nhuận đạt 111.7% kế hoạch năm, tăng trưởng 20% so với năm 2014, đạt 3280 tỷ. Tổng doanh thu đạt 89.122 tỷ, tăng 7,5% so với năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2015 tăng 20,9% so với năm 2014. 

So với trước khi tách riêng MobiFone, tổng doanh thu của VNPT có giảm, nhưng lợi nhuận lại tăng vọt. Nên biết rằng, trước đây, MobiFone tuy chỉ chiếm 40% cơ cấu doanh thu của Tập đoàn, nhưng lại đóng góp tới 70% lợi nhuận. Do đó, khi không còn "con gà đẻ trứng vàng" MobiFone, việc VNPT vẫn duy trì được doanh thu không bị sụt giảm quá nhiều đã là một thành công. Việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận một cách rõ rệt càng khiến người trong giới bất ngờ.
{keywords}

Các chuyên gia viễn thông cũng không ngần ngại dùng từ "lột xác" khi nói về tập đoàn VNPT trong năm 2015. Thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT cùng Tập đoàn đã hoàn thiện đề án tái cơ cấu cụ thể, tiến hành chia tách 10 đơn vị sự nghiệp và bàn giao về các địa phương, Bộ, ngành.

MobiFone: Tổng công ty đặc biệt

Một tên tuổi khác không thể không nhắc đến chính là MobiFone. Dù chỉ mới tách khỏi Tập đoàn VNPT và chập chững hoạt động theo mô hình Tổng công ty được một năm, nhưng MobiFone đã hoàn thành vượt mức kế hoạch mọi chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, khẳng định mình hoàn toàn có thể "sống được khi ra riêng". Nhận thức rõ điểm yếu của mình về hạ tầng do trước đây MobiFone vẫn chia sẻ mạng lưới với VinaPhone, nhà mạng này đã nhanh chóng xốc lại bộ máy, áp dụng phương pháp quản trị theo chuẩn quốc tế, hoạt động bài bản, nề nếp.

{keywords}

Đánh giá về vị thế độc lập của MobiFone, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng điều này đã tạo ra "thế chân vạc" cho thị trường viễn thông hiện nay, với 3 chân là VNPT, Viettel và MobiFone, góp phần tạo lập một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phát triển bền vững, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.

Sự "lột xác" của MobiFone là từ chỗ một nhà mạng nằm trong lòng Tập đoàn VNPT, không những "ra riêng thành công", MobiFone còn khoác áo mới là Tổng công ty Viễn thông. Hơn thế nữa còn là Tổng công ty Đặc biệt được Chính phủ ghi nhận, với 4 trụ cột chủ lực là viễn thông - Bán lẻ - truyền hình - Dịch vụ GTGT và đa phương tiện. 

Và cũng chỉ trong 12 tháng ngắn ngủi đó, MobiFone cũng đã kịp thực hiện một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng, đó chính là cổ phần hóa. Hiện nhà mạng này đã hoàn tất việc xác định giá trị doanh nghiệp, hoàn thiện phương án cổ phần hóa MobiFone, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

VTC: Chấm dứt lỗ lũy kế

Nhưng hai đại gia viễn thông không phải là những trường hợp duy nhất tái cơ cấu thành công. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, một doanh nghiệp khác trực thuộc Bộ, cũng đã khoác lên mình một chiếc áo khác hẳn so với cách đây 3 năm, khi các khoản lỗ và vay ngân hàng đè nặng trên vai doanh nghiệp này.

{keywords}

Nhờ sự sắp xếp, tái cấu trúc quyết liệt mà tính đến hết năm 2015, VTC đã có lãi trở lại 3 năm liên tiếp, với tăng trưởng lợi nhuận năm nay lên tới 60%, mức cao nhất trong vòng 28 năm kể từ ngày thành lập. Với đà này, thậm chí VTC có thể xóa hết lỗ lũy kế vào giữa năm 2016, hoặc chậm nhất là cuối năm 2016.

Tổng công ty này cũng đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận được giao khi mà năm 2015 chỉ mới trôi qua được 9 tháng. Ấy thế nhưng theo lời của Chủ tịch HĐTV Lưu Vũ Hải thì doanh thu và lợi nhuận thực tế có thể còn cao hơn báo cáo nhiều, vì chủ trương bây giờ của Tổng công ty là "nói thật, làm thật", "hạch toán doanh thu tối thiểu trong khi khấu trừ dự phòng ở mức tối đa".

VNPost: Tự đứng trên chân mình

Tương tự, sau khi tách mảng bưu chính ra khỏi VNPT để thành lập nên Tổng công ty VNPost, từ một đơn vị yếu của ngành, đến nay VNPost đã "đi vững được trên đôi chân mình", tái cấu trúc hoạt động thành công, ổn định hoạt động SXKD, cân đối với các hoạt động bưu chính công ích...

{keywords}

Nếu như năm 2013, Nhà nước vẫn còn phải nuôi bưu chính thì kết thúc 2014, cũng là năm đầu triển khai tái cơ cấu, VNPost đã có thể tự chủ về tài chính. Sang đến năm 2015, cũng giống như MobiFone, VNPost thậm chí còn được công nhận là Tổng công ty đặc biệt.

Sự đổi mới của bưu chính đã khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một người "cũ" của ngành đặc biệt vui mừng. Hậu tái cấu trúc bước đầu, VNPost đang đi đúng hướng. Không chỉ đơn thuần chuyển phát, đưa thư như trước đây, bưu chính đã kết hợp nhiều phương thức điện tử, thương mại, đầu tư.... hiện đại hóa mô hình kinh doanh, hợp tác với Nhật Bản nâng cao chất lượng dịch vụ...

Lời kết

Rõ ràng, khi chủ trương đúng kết hợp với thực thi đúng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Bước sang 2016, khối lượng công việc vẫn rất nặng nề. Đây là năm đầu tiên, bản lề để các doanh nghiệp thực hiện Kế hoạch 2016-2020. Thị trường đang trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập TPP và đầu tư nước ngoài đang tràn vào trong nước với tốc độ chóng mặt.

Bộ TT&TT đã cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển mạnh mẽ và bền vững, có cơ hội tham gia bình đẳng trên thị trường. Nhưng cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đây sẽ là lúc "thử lửa" thật sự để VNPT, MobiFone, VTC, VNPost chứng tỏ, những nỗ lực tái cấu trúc mà họ đã và sắp tiến hành có đúng hướng, hiệu quả và bền vững hay không.

Trọng Cầm