Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng ấn tượng

Đánh giá về thành tựu Make in Vietnam thời gian qua, Bộ TT&TT cũng cho biết, trong gần 2 năm qua, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng số lượng doanh nghiệp công nghệ số công nghệ số của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số mới được thành lập, trong đó có những doanh nghiệp startup công nghệ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác chuyển sang làm công nghệ số.

Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp công nghệ số được thành lập mới trong năm 2020 là 12.977, đưa tổng số doanh nghiệp công nghệ số đến năm 2020 là 58.377 doanh nghiệp, tăng trưởng 28,58% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp công nghệ số được thành lập mới là 4.005 doanh nghiệp, tăng 6,9% so với năm 2020.

{keywords}
Bộ TT&TT cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã tập trung vào phát triển sản phẩm công nghệ số giải quyết các bài toán Việt Nam, dẫn dắt xu hướng công nghệ (Trong ảnh: VNPT áp dụng eKYC đăng ký thông tin thuê bao VinaPhone cho khách hàng)

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số đã tăng từ 2.901.119 tỷ đồng năm 2019 lên 3.163.316 tỷ đồng năm 2020, tăng trưởng 9,04%; đóng góp cho ngân sách nhà nước 109.339 tỷ đồng, tăng trưởng 4,63% so với năm 2019 và đã tạo ra 1,3 triệu việc làm tăng trưởng 1,62% so với năm 2019.

Ước tính trong 9 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 2.252 tỷ đồng, tương đương 97,37 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 12,48% so với năm 2020. Thời điểm tháng 9/2020, doanh thu công nghiệp ICT chỉ tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo trong năm 2021 có thể đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành gấp 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP Việt Nam.

Về phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam, thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã thay đổi quan điểm, định hướng, đó là: Tập trung vào phát triển sản phẩm công nghệ số giải quyết các bài toán Việt Nam; dẫn dắt xu hướng công nghệ; có doanh nghiệp đã chuyển định hướng sang lĩnh vực công nghệ số và bước đầu đã thu được thành công.

Nhiều sản phẩm Make in Vietnam ứng dụng công nghệ mới của cách mạng 4.0

Make in Vietnam đã tạo ra xu hướng chuyển dịch từ vai trò thụ động sang chủ động của các doanh nghiệp công nghệ số. Doanh nghiệp đã đầu tư phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam đã được nghiên cứu phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ số mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khẳng định năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm trong việc chung tay cùng nhà nước góp phần phục vụ giải các bài toán về Chính phủ số, chuyển đổi số y tế, giáo dục, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, phòng chống dịch Covid-19, thu hẹp khoảng cách số. 

Có thể thấy rằng, thông qua Make in Vietnam, các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã thấy rõ triển vọng về một Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ; khát vọng vươn tầm quốc tế của  doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Đối với nhiệm vụ phát triển các nền tảng công nghệ số Make in Vietnam, trong gần 2 năm qua, Bộ TT&TT đã lựa chọn giới thiệu và bảo trợ truyền thông cho hơn 40 ứng dụng, nền tảng số Make in Vietnam.

Trong đó, tiêu biểu như nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến qua video call - VOV Basic 24 của Kênh FM89, Đài Tiếng nói Việt Nam với khoảng 1.200 lượt truy cập, 300 lượt đăng ký khám trên một ngày.

Nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC (của VNPT) đến hết quý I/2021 đã có hơn 230 triệu lượt tiếp cận, tăng hơn 25% so với khi ra mắt (hơn 180 triệu lượt), trong đó có 372 doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo Viettel AI Open platform của Viettel cũng tính đến hết quý I năm nay đã có 33.349 người dùng.

Nền tảng họp trực tuyến eMeeting do Công ty BKAV và Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) phát triển, được trang bị hệ thống bảo mật 9 lớp, hỗ trợ cuộc họp trực tuyến với 200 điểm cầu. Nền tảng eMeeting đã được lựa chọn phục vụ kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV.

Nền tảng giao tiếp Stringee do Công ty cổ phần Stringee phát triển đã có hơn 800 khách hàng doanh nghiệp, đang phục vụ khoảng 2,2 triệu phút gọi/ngày cho tổng cộng hơn 45 triệu người dùng trên toàn quốc...

Vân Anh

Phát động giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” mùa thứ hai

Phát động giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” mùa thứ hai

Các đơn vị đạt giải “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 sẽ được xem xét đưa vào Danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm trong cơ quan nhà nước.