Kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, ngân sách đang hụt thu. Trong hoàn cảnh đó, đáng ra, những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - được mệnh danh là những quả đấm thép, được xác định đóng vai trò chủ đạo phải là trụ cột cho nền kinh tế, nhân tố hỗ trợ lớn cho ngân sách. Thế nhưng, thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại. Đóng góp vào ngân sách của khu vực DNNN đang giảm đi trông thấy, thậm chí ngân sách có khả năng phải đứng ra hỗ trợ, bù lỗ cho những ông lớn hoạt động kém hiệu quả.

Ngân sách phải trả nợ thay

Đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng… chỉ là một trong nhiều dự án thua lỗ đã lộ diện. “Bơm” thêm tiền, giảm thuế, đòi bảo hộ… là những kiến nghị chủ yếu được các lãnh đạo DN này gửi đến các cơ quan chức năng.

{keywords} 

Nếu đáp ứng lời thỉnh cầu của những đơn vị này, tất yếu ngân sách sẽ phải mất đi một khoản tiền không nhỏ, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Thực tế, trong những lần giải cứu Vinashin hay những dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh, ngân sách đã bỏ tiền để trả nợ thay cho các dự án thua lỗ bằng nhiều cách khác nhau. Gánh nặng trả nợ thay nhiều đến nỗi hồi tháng 7 năm nay, trong một báo cáo về tình hình bảo lãnh, Bộ Tài chính đã lo ngại “vỡ” Quỹ tích lũy trả nợ. Và bộ này đã phải đề xuất chủ trương dừng bảo lãnh vay từ năm 2017.

Còn khi "cân đo" khả năng giải cứu cho lọc dầu Dung Quất bằng giảm thuế, Bộ Tài chính cũng đã tính đến việc thu ngân sách từ dự án này suy giảm. Sau cùng, Bộ Tài chính đã chọn phương cách giảm thuế ở mức hợp lý để vừa tạo điều kiện cho lọc dầu Dung Quất vượt khó, vừa không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách.

Thực tế, việc các dự án của những DNNN bị lâm cảnh làm ăn thua lỗ, xin cầu cứu không phải là chuyện hiếm gặp. Nhiều lãnh đạo DNNN cũng đã dính vòng lao lý, nhận mức án cao nhất. Có người thì bị khởi tố, truy nã. Nhưng có những người có trách nhiệm có người thì “hạ cánh an toàn”, có người thì đang yên vị ở một vị trí cao trong bộ máy nhà nước.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, phải áp dụng nguyên tắc các lãnh đạo DNNN, các đại diện chủ sở hữu vốn trong các DNNN phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về hiệu quả của DN đó. Khi DN xảy ra thua lỗ, họ phải là người đứng ra giải trình, điều trần trước Quốc hội - vì Quốc hội là do dân bầu lên mà dân là chủ sở hữu cuối cùng các tài sản và vốn của DN.

“DN nào để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm. Trường hợp của dự án Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn từ 3.800 tỷ lên hơn 8.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa có ai bị truy cứu trách nhiệm vì đã làm mất vốn Nhà nước”, ông Tuấn thắc mắc.

Thực tế, không những không bị “sờ gáy”, nhiều dự án của DNNN làm ăn thua lỗ còn liên tục được hỗ trợ bằng các cách khác nhau từ nhiều nơi khác nhau để sống sót.

Cứ làm ăn thua lỗ lại xin Chính phủ

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến DNNN thường kêu Chính phủ hỗ trợ khi gặp khó khăn, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Trước hết, không thể loại trừ nguyên nhân họ đã có lòng tin về sự hỗ trợ của Nhà nước như đã thực hiện trong quá trình tái cơ cấu một số tập đoàn, tổng công ty yếu kém trước đây. Chẳng hạn chuyển nợ, giãn nợ, xóa một phần nợ của Vinashin, Vinalines…

{keywords}
Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mở rộng.

Ngoài ra, theo ông Trung, trên thực tế, một số dự án lớn có nguồn vốn vay nước ngoài từ bảo lãnh Chính phủ. Một số dự án khác hình thành sau khi có quyết định phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh). Do đó, khi những dự án này kém hiệu quả và không trả nợ đúng hạn thì người cấp bảo lãnh hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ có trách nhiệm liên đới nếu như thỏa thuận/hợp đồng vay vốn có đề cập đến trách nhiệm này.

“Những yếu tố nêu trên có thể là nguyên nhân của việc liên tiếp có các dự án thua lỗ lớn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hỗ trợ”, ông Phạm Đức Trung chia sẻ.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Đây thực chất không phải là vấn đề mới mẻ, sở dĩ có hiện tượng này là do đã có tiền lệ. Trước đây, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ thường đề nghị Chính phủ hỗ trợ và thực tế là đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Các DN hiện nay đã nhìn thấy cơ chế rất dễ dàng với DN đi trước, vì thế cứ làm ăn thua lỗ thì lại ngửa tay xin Chính phủ, bởi cơ chế dễ dàng như vậy thì chẳng dại gì không xin.

“Rõ ràng đây là cơ chế khuyến khích ngược, bởi làm ăn thua lỗ lẽ ra phải bị trừng phạt, thế nhưng DN lại xin hỗ trợ và được hỗ trợ, chẳng khác nào làm ăn thua lỗ nhưng lại được thưởng”, ông Tuấn lưu ý.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm: “Điều này trái ngược với động cơ khuyến khích phù hợp, đó là DN phải làm ăn có hiệu quả, có tiềm năng phát triển”

Thực tế đó đặt ra sự cần thiết phải phải rà soát, xem xét lại toàn bộ hệ thống chính sách và pháp luật về vấn đề này, từ đó hoàn thiện thể chế, xác định rõ trách nhiệm của của các bên có liên quan đối với tính hiệu quả của các dự án đầu tư lớn.

“Bao gồm cả trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phê duyệt, thẩm định, giám sát, theo dõi, cảnh báo rủi ro trong các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp”, Ông Phạm Đức Trung nêu ý kiến.

Lương Bằng