Volkswagen từ bỏ kế hoạch "thuần điện"
Ngày 16-5 (giờ Việt Nam), hãng ô tô hàng đầu châu Âu Volkswagen đã thông báo từ bỏ kế hoạch chỉ bán xe thuần điện chạy pin (BEV), là các mẫu sản phẩm thuộc dòng ID, thay vào đó thừa nhận sẽ phải gia tăng số lượng xe hybrid sạc ngoài (PHEV) để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Nhà sản xuất ô tô này cũng đã gác lại nỗ lực tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài cho bộ phận sản xuất pin, đồng thời hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện trị giá 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) ở Đức.
Đây là điều chỉnh mới nhất của VW trong chiến lược điện khí hóa của mình, trong bối cảnh công ty này gặp vấn đề với một số mẫu xe được ra mắt và đang ngày càng tụt hậu ở Trung Quốc trước sức cạnh tranh quyết liệt của các thương hiệu địa phương.
Mercedes-Benz dừng phát triển nền tảng xe điện mới
Hãng xe vừa thông báo cắt giảm đáng kể đầu tư vào phát triển nền tảng xe điện và sẽ không tiếp tục thúc đẩy trào lưu xe điện trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu đã "xẹp".
Trước mắt, hãng sẽ từ bỏ phát triển nền tảng xe điện cỡ lớn (MB.EA Large), vốn từng lên kế hoạch sẽ sử dụng cho EQE và EQS thế hệ mới. Quyết định hủy bỏ kế hoạch xe điện một phần của nỗ lực sắp xếp lại các hoạt động phát triển trong tương lai của Mercedes-Benz. Mới đây, hãng đã dời mốc đạt mục tiêu 50% doanh số là xe thuần điện (gồm cả PHEV và xe điện chạy pin) từ năm 2025 sang năm 2030.
Hãng cũng rút lại kế hoạch chỉ bán ô tô điện vào năm 2030 "tại các thị trường nơi điều kiện cho phép".
Porsche bắt đầu sản xuất Macan thuần điện
Sau màn chào sân đầy ấn tượng tại Đông Nam Á, chiếc Macan thuần điện bắt đầu đi vào sản xuất tại nhà máy ở Leipzig (bang Saxony, Đức) - trên những dây chuyền vừa hoàn tất quá trình nâng cấp với khoản đầu tư lên tới 1 tỷ USD.
Theo lộ trình, Macan EV sẽ bắt đầu tới tay người dùng toàn cầu từ nửa sau năm 2024, và hiện đã có khoảng 10.000 đơn đặt hàng.
Xe hiện có 2 phiên bản là Macan 4 và Macan Turbo. Trong đó, mẫu Macan Turbo có công suất tới 630 mã lực, đủ để tăng tốc 0-100 km/giờ trong vòng chỉ 3,1 giây. Nhờ nền tảng PPE 800V, pin trên xe có thể sạc từ 10% đến 80% trong vòng chưa đầy 21 phút (với sạc 270kW), với phạm vi hoạt động vào khoảng 600km/lần sạc.
Được biết, Macan EV cũng là mẫu xe “có hẹn” với thị trường Việt Nam trong năm nay.
BYD Shark quyết cạnh tranh với Toyota Hilux và Ford Ranger
Tuần này, một mẫu bán tải điện hóa mới đã gia nhập sân chơi quốc tế. BYD Shark có kích thước nhỉnh hơn Toyota Hilux và Ford Ranger, tương ứng dài 5.457mm, rộng 1.971mm và cao 1.925mm.
Xe sử dụng hệ truyền động hybrid sạc ngoài (PHEV) với mô tơ điện 228 mã lực ở cầu trước và 201 mã lực ở cầu sau. Khi vận hành kết hợp, xe có công suất lên tới 429 mã lực, cho phép tăng tốc 0-100 km/giờ chỉ mất 5,7 giây. Pin tích hợp có dung lượng 29,58kWh, đủ để xe di chuyển thuần điện 100 km/lần sạc. Nếu kết hợp cả động cơ xăng, phạm vi hoạt động của xe đạt 840km. Xe có giá xuất xưởng ở mức 53.400 USD.
Genesis quyết tâm cạnh tranh Range Rover
Hãng xe sang thuộc Hyundai vừa công bố hình ảnh về mẫu SUV điện cỡ lớn mới, với lịch sản xuất từ năm 2025 nhằm cạnh tranh với Land Rover Range Rover và Cadillac Escalade. Đây cũng là mẫu xe đầu tiên sử dụng nền tảng “eM” thế hệ mới của Hyundai, với hứa hẹn tiết kiệm điện hơn 20% so với thế hệ hiện hành (có mặt trên IONIQ 5).
Theo các nguồn tin, SUV mới sẽ có tên thương mại là Genesis GV90, xếp trên phân khúc GV80 hiện nay. Sự xuất hiện của xe mới nằm trong dự án rộng lớn đầy tham vọng của Hyundai, bao gồm Kia và Genesis, với mục tiêu trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới vào năm 2030, với 13 mẫu xe mới dự kiến sẽ sớm ra mắt.
Isuzu bắt tay vào phát triển xe tải điện cỡ trung
Trong khi các nhà sản xuất ô tô đều tập trung vào mảng xe du lịch chạy điện, Isuzu lại chọn lối đi riêng dựa trên sở trường khi thông báo bắt tay vào phát triển các mẫu xe tải điện cỡ trung (nhóm 6 và 7). Các xe mới sẽ sử dụng hệ truyền động điện Accelera do Cummins phát triển. Theo mô tả của hãng xe Nhật Bản, những chiếc xe tải sẽ “dễ lái, đáng tin cậy”, sử dụng công nghệ pin LFP.
Doanh nghiệp sản xuất pin Hàn Quốc gặp khó vì trào lưu xe điện giảm tốc
Ba công ty pin hàng đầu của Hàn Quốc, gồm Samsung SDI, LG Energy Solution và SK On đã bị ảnh hưởng đáng kể do tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện chậm lại. Trong đó, Samsung SDI báo cáo lợi nhuận hoạt động quý I-2024 giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2023.
So với đối thủ, Samsung SDI ít bị ảnh hưởng nhờ sự gia tăng doanh số pin cung cấp cho các nhà sản xuất ôtô cao cấp như BMW. Về phần mình, LG Energy Solution ghi nhận lợi nhuận hoạt động giảm 75,2%, trong khi SK On có kết quả kinh doanh đáng quan ngại với khoản lỗ hoạt động 331,5 tỷ won (238,83 triệu USD), chủ yếu do doanh số thấp ở khu vực Bắc Mỹ - nơi người dân đang có xu hướng chuyển sang mua sắm xe hybrid.
Theo Hanoimoi
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!