Hẳn nhiều người còn nhớ, báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đã nhận định: Trong giai đoạn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 46 văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Các bộ, ngành Trung ương đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, như: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi, vay vốn xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc thiểu số ít người...
Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đồng bào khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.
Kinh phí ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2018 là hơn 47.000 tỷ đồng. Trên 1,4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 46.159 tỷ đồng.
![]() |
Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể - Hình minh họa. |
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo dân tộc thiểu số thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước. Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu. Nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Một số mục tiêu lớn (giảm huyện nghèo, xã và thôn đặc biệt khó khăn) không đạt.
Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, địa hình chia cắt; hậu quả biến đổi khí hậu, hạn hán, thiên tai, bão lũ, lũ quét, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn kết quả giảm nghèo.
Bàn về công tác giảm nghèo tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, tại cuộc tọa đàm“Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống”, ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc khẳng định, trong năm qua, việc thực hiện hệ thống chính sách phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo trong đó có các chính sách dân tộc Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong công cuộc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quan tâm của Đảng, Quốc hội và đặc biệt sự ủng hộ của người dân nên công tác giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu.
Có rất nhiều điểm sáng, ngay cả những huyện thuộc diện khó khăn nhất, Chương trình 30a có 64 huyện nghèo thì có đến 8 huyện thoát nghèo, 14 huyện hưởng cơ chế chính sách được thoát nghèo. Ngoài ra còn nhiều điểm sáng, mô hình làm rất tốt, nhiều vùng nếu như trước đây chúng ta so sánh, bây giờ đã khác hoàn toàn về bộ mặt nông thôn, sinh kế…
Nếu như trước đây Chương trình 135 có hàng chục nhà tài trợ, sau khi Việt Nam bước vào nước thu nhập trung bình, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Những mô hình giảm nghèo của Việt Nam còn được các tổ chức quốc tế đề xuất báo trước các nước khác, là cách để các nước khác học tập.
Bài: Đỗ Ngân Phương - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Văn Quý - Nhóm PV