Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BTC ngày 13/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTC ngày 03/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức bảo hiểm thất nghiệp); Cơ quan, tổ chức thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

{keywords}
Nhiều điểm mới trong cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN sắp có hiệu lực. Ảnh minh họa

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (sau đây viết tắt là BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thông tư sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 7, cụ thể như sau: Khi thẩm định quyết toán năm đối với quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của BHXH cấp tỉnh, có trách nhiệm ghi rõ trong biên bản thẩm định quyết toán khoản 20% kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa sử dụng hết (nếu có) được sử dụng tại địa phương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 35 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây viết tắt là khoản 20% được sử dụng tại địa phương).

Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi Khoản 3 Điều 8 về phương pháp phân bổ khoản chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4 và Điểm b Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg.

Cụ thể: Mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp thất nghiệp (mức chi phí chi trả) bình quân toàn ngành bằng 0,65% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH theo quy định tại Khoản 4 và Điểm b Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam thực hiện như sau:

Trích 70% trên mức chi phí chi trả bình quân toàn ngành để chi cho tổ chức làm đại lý chi trả: Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định mức chi phí chi trả (theo tỷ lệ % hoặc theo số tuyệt đối) trên số tiền chi trả cho tổ chức làm đại lý chi trả của từng tỉnh, thành phố để BHXH cấp tỉnh thanh toán cho tổ chức làm đại lý chi trả; Tổ chức làm đại lý chi trả tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chi phí cho việc chi trả do cơ quan BHXH thanh toán nhưng phải đảm bảo việc chi trả an toàn, đúng đối tượng, đúng chính sách và theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan BHXH và tổ chức làm đại lý chi trả; Cơ quan BHXH phải quy định cụ thể các công việc tổ chức làm đại lý chi trả phải thực hiện trong hợp đồng ký với tổ chức làm đại lý chi trả;

Còn lại 30% trên mức chi phí chi trả bình quân toàn ngành để lại cho ngành BHXH sử dụng để phục vụ việc chi trả (gồm: bảo quản, lưu trữ hồ sơ người thụ hưởng; kiểm tra, giám sát việc chi trả; làm đêm, thêm giờ; hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động có liên quan trong những ngày chi trả). BHXH Việt Nam phân bổ cho BHXH các tỉnh, thành phố và đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện;

Cơ quan BHXH căn cứ số tiền mà tổ chức làm đại lý chi trả cho người thụ hưởng, thực hiện chuyển chi phí chi trả vào tài khoản của tổ chức làm đại lý (không thanh toán bằng tiền mặt); số tiền chuyển tương ứng mức chi phí chi trả theo tỷ lệ % trên số tiền chi trả do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/5/2020.

Th. Thủy
Ảnh: Lê Tình