Công tác y tế trường học là nhiệm vụ hết sức quan trọng được sự quan tâm lãnh đạo, của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; thể hiện trách nhiệm của cả hệ thống chính trị “Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội”. Tuy nhiên, nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu nhân lực. Các trường “trống” vị trí nhân viên y tế nên họ bù bằng cách cử cán bộ không có chuyên môn y tế kiêm nhiệm.
Tại Hải Phòng, các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh đều có phòng y tế nhưng nhân viên y tế lại chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc là trạm y tế cắt cử người trực. Nhiều trường phải ký hợp đồng hoặc phân công cán bộ, giáo viên, kế toán, thủ quỹ, văn thư kiêm nhiệm công tác y tế nên gặp nhiều bất cập nảy sinh trong thực tế.
Tại một hội nghị về công tác y tế học đường, ông Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hải Phòng, cũng thừa nhận công tác chăm sóc y tế học đường rất quan trọng góp phần vào mục tiêu giáo dục toàn diện cho trẻ.
Địa phương này đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như mạng lưới nhân viên y tế, cơ sở vật chất và kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh tại các trường học còn thiếu thốn, chưa đáp ứng thực tế đã dẫn đến gia tăng một số bệnh, tật thường gặp ở lứa tuổi học đường…
Quảng Ninh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Từ năm 2018 tới nay, hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn này đều không có nhân viên y tế trường học. Để lấp chỗ trống, nhà trường cũng cử người kiêm nhiệm phụ trách trực phòng y tế trường học.
Tại trường THCS Chu Văn An (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh), theo ban giám hiệu nhà trường, từ khi thành lập tới nay nhà trường có phòng y tế được trang bị thiết bị y tế, cơ số thuốc nhưng lại thiếu nhân viên y tế trường học. Nhà trường đã cử nhân viên văn thư làm đầu mối y tế trường học phối hợp với trạm y tế. Khi có tình huống cấp cứu bất ngờ xảy ra sẽ liên hệ trạm y tế hỗ trợ.
Trường THCS Đoàn Kết (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cũng không có nhân viên y tế trường học. Nhà trường cử văn thư trực phòng y tế. Nếu trường hợp văn thư nghỉ phép, nghỉ ốm, giáo viên trống tiết sẽ ra trực phòng y tế. Vì vậy, hiệu quả cấp cứu ban đầu có thể bị ảnh hưởng do thiếu chuyên môn.
Thông tư liên tịch số 13 năm 2016, bảo đảm các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học theo đó nhân viên y tế trong trường học yêu cầu phải là tốt nghiệp y sĩ đa khoa dẫn đến nhiều trường “mất” y tế học đường.
Trong khi đó, nhân viên y tế trường học lại có rất nhiều đầu việc phải làm. Chị T.V (nhân viên y tế tại một trường THCS ở Hải Phòng) cho biết nhân viên y tế nhà trường phải có mặt ở trường rất sớm để kiểm tra vệ sinh, an toàn trường học. Sau đó, họ phải kiểm tra an toàn thực phẩm ở nhà bếp, nhập thực phẩm cũng như các khâu chế biến thức ăn bán trú cho học sinh.
Tiếp đến, họ lại phải lau rửa dụng cụ y tế. Hầu như ngày nào cũng có học sinh đau bụng, đau chân hoặc tai nạn thương tich cần hỗ trợ. Sau đó, chị V. mở sổ theo dõi sức khỏe, kết nối với trung tâm y tế quận hoặc Trạm Y tế để xử lý cấp cứu khi học sinh bị tai nạn, thương tích.
Dù đại dịch Covid-19 đã bị qua nhưng các nhân viên y tế nhà trường vẫn phải tăng cường kiến thức phòng chống các dịch bệnh khác theo mùa như cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết sau đó phổ biến cho học sinh, giáo viên các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe học đường.
Công việc của chị V. vất vả nhưng thu nhập rất thấp. Làm y tế trường học 13 năm mỗi tháng chị V. nhân được ngót nghét 5 triệu đồng tiền lương bao gồm lương theo bậc và hỗ trợ 20%.