Nhiều địa phương trong cả nước đang tìm hiểu xây dựng thành phố thông minh |
Lơ lửng nguy cơ “đập đi làm lại”
Trao đổi tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai nhận định hiện nay nhiều địa phương còn khá lúng túng trong việc phân định sự khác biệt giữa thành phố thông minh và chính quyền điện tử.
Trong các đề án, dự án, kế hoạch thực hiện chính quyền điện tử đều tồn tại các dự án, hạng mục đầu tư các dịch vụ, ứng dụng đô thị thông minh. Ngược lại trong các đề án, dự án, kế hoạch triển khai đô thị thông minh cũng xuất hiện rất nhiều các dịch vụ, ứng dụng chính quyền điện tử.
“Mục tiêu của đô thị thông minh vẫn còn đang mơ hồ, không chắc chắn, thậm chí là không có các chỉ tiêu cụ thể. Việc xây dựng chiến lược phát triển đô thị thông minh tại các địa phương hiện tại khá giống với việc phát triển chính quyền điện tử ở địa phương cách đây 10-15 năm”, ông Quốc nhấn mạnh.
Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai cho rằng việc các địa phương tự mày mò xây dựng mục tiêu, tìm kiếm giải pháp rồi trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau dần hình thành nên một mục tiêu chung. Cách làm này ở khía cạnh nào đó là thành công, nhưng trả giá không nhỏ. Không ít các ứng dụng được xây dựng, thay thế, chuyển đổi hay nói cụ thể hơn là “đập đi làm lại” không chỉ một lần. Đây là một sự lãng phí rất lớn đối với ngân sách nhà nước, phát triển đô thị thông minh tại các địa phương có dấu hiệu đang đi theo con đường đó.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh của Lào Cai, ông Vương Trinh Quốc cho hay tỉnh này lựa chọn hướng đi an toàn là dựa vào sự thành công của chính quyền điện tử. Lấy chính quyền thông minh làm nền tảng cốt lõi để phát triển các dịch vụ, ứng dụng đô thị thông minh.
Trong giai đoạn đầu, Lào Cai tập trung vào các dịch vụ chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp như tập trung phát triển các CSDL chuyên ngành, các ứng dụng phục vụ trực tiếp lợi ích của người dân như y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên - môi trường, giao thông vận tải...
Xây dựng trung tâm tích hợp dịch vụ hành chính công và điều hành đô thị thông minh, phát triển hệ thống nền tảng tích hợp dữ liệu chung cho cả chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Các Bộ cần vào cuộc quyết liệt
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Vương Trinh Quốc bày tỏ với nguồn lực hạn chế, Lào Cai đang cố gắng thực hiện thử nghiệm bước đầu về xây dựng đô thị thông minh để chuẩn bị cho một chiến lược hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thử nghiệm trong thời gian quá dài mà vẫn không có những mục tiêu, định hướng, tiêu chí cụ thể hơn, Lào Cai cũng như một số địa phương khác sẽ rất khó có thể đảm bảo thành công khi nguồn lực bị phân tán, thử nghiệm với mục tiêu chưa rõ ràng.
Do đó, Bộ TT&TT cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc dẫn dắt, định hướng và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết.
Đồng thời, các địa phương cũng cần có sự liên kết chặt chẽ, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm thực tế và đồng hành cùng với Bộ xác định một mục tiêu cho cả quốc gia.
Cần thống nhất chung một khung kiến trúc Chính quyền điện tử (phiên bản 2.0), trong đó không thể thiếu được các quy định về kiến trúc liên quan đến phát triển đô thị thông minh. Nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh của quốc gia, trong đó có các tiêu chí phù hợp với mức độ phát triển tại các địa phương theo vùng miền.
Nghiên cứu ban hành các giải pháp khái quát, lộ trình thực hiện, định hướng phù hợp cho các ngành, địa phương để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương để đảm bảo xây dựng và phát triển đô thị thông minh một cách bền vững. Vậy phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành khác không chỉ riêng Bộ TT&TT.