Chủ động lên phương án ứng phó

Một người dân trú tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, những năm gần đây, dù có khó khăn nhưng nhà nào cũng cố gắng sắm cho mình một chiếc ghe nhỏ. 

Theo người dân, đây là phương tiện phát huy hiệu quả mỗi khi bão, lụt. Ghe vừa dùng để di chuyển tài sản cá nhân khi mưa bão, cũng là phương tiện để “chạy lụt”.

w bao so 6 3 27200.jpg
Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền bị nước lũ chia cắt do mưa lớn từ hoàn lưu bão số 6

Bên cạnh đó, nhiều gia đình vùng thấp trũng, ven biển, đầm phá chú trọng hơn việc đầu tư xây dựng nhà cửa cao tầng, kiên cố để tránh, trú bão; di chuyển đồ đạc, lương thực, thực phẩm lên cao tránh lụt…

Một sự chủ động nữa của người dân vùng thường xuyên phải hứng chịu bão lũ, đó là, dù chính quyền địa phương chưa nhắc nhở, khi thấy trời mưa to, gió lớn, nhiều gia đình đã chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm đủ cho gia đình dùng những ngày mưa lũ.

Tương tự, với người dân 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 đã để lại cho họ bài học lớn về kinh nghiệm ứng phó thiên tai. Trước hết là từ việc xây dựng nhà ở đều chọn mốc vượt lũ năm 2020 để thi công. Riêng thôn Lộc An, xã An Thủy trong vòng một năm qua, có 21 ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, kiên cố và đều có hai tầng hoặc chòi vượt lũ.

anh 2 27683.jpg
Mưa lũ do hoàn lưu bão số 6 khiến hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ngập sâu

Cùng với đó, nhiều nhà phòng tránh lũ cộng đồng cũng được xây dựng hai tầng để làm nơi tránh trú lũ lụt cho hàng trăm người. Đồng thời, mùa vụ sản xuất và tập quán chăn nuôi, trồng trọt đều được bố trí để né mùa mưa lũ nhằm giảm thiệt hại. Ở từng khu dân cư, các đội xung kích phòng chống thiên tai được thành lập làm nòng cốt cho việc tuyên truyền, tổ chức di dời người dân khi cần thiết.

Theo nhiều người dân, ở từng gia đình, vật dụng đắt tiền, phương tiện đi lại được chủ động kê kích lên cao hoặc gửi ở nơi không bị ngập nước; mỗi gia đình đều tự sắm thuyền nhôm hoặc đóng bè chuối để đi lại trong từng ngõ xóm khi nước dâng. Miệng giếng khơi thì được phủ kín bằng tấm ni-lông trước khi nước lũ ập đến, sau khi nước rút, nước sạch trong giếng vẫn sử dụng bình thường.

Thực hiện tốt nguyên tắc “5 tại chỗ”

Một điều khá đặc biệt ở Thừa Thiên Huế là thay vì thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ, thì nay từ tỉnh đến cơ sở đều nâng lên 1 cấp để trở thành “5 tại chỗ”. Đó là, ngoài chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ thì vấn đề tự quản tại chỗ của người dân là một trong những khâu quan trọng để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Theo chính quyền địa phường, yếu tố chủ quan, lơ là sau khi bão lũ đi qua đã trở thành bài học kinh nghiệm sâu sắc cho mỗi hộ gia đình vùng thấp trũng. “Chứng kiến không ít thiệt hại, đau thương mất mát sau thiên tai nên giờ người dân ai cũng ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Tình trạng đánh bắt cá, vớt củi mùa mưa lũ, khi cơn bão đi qua đã giảm rất nhiều. Nguyên tắc “5 tại chỗ” ngày càng phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh”, ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên diễn tập ứng phó với mưa bão cũng được các địa phương quan tâm. Trước mùa mưa bão, công tác này đã được các địa phương, nhất là ở vùng thấp trũng, ven biển, đầm phá chủ động tổ chức thực hiện. Qua diễn tập ứng phó với mưa bão, lũ lụt không chỉ trang bị thêm những kỹ năng trong xử lý tình huống của đơn vị, địa phương và ngành chức năng, mà quan trọng là làm thay đổi ý thức, nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống lụt bão.

Xác định vị trí trọng điểm

Xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới cũng luôn đưa công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm phát triển bền vững.

Hàng năm, đến mùa mưa bão, xã phải di dời hàng chục hộ dân để đề phòng trượt lở đất và ngập lụt. 

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, vào mùa mưa lũ, huyện yêu cầu các địa phương tổ chức điều tra, rà soát, nắm cụ thể từng hộ dân ở các thôn, bản có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để nhằm có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Tiếp tục thực hiện phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó lấy công tác phòng là chính.

Huyện cũng chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” (3 trước gồm chủ động phòng, chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước; 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Đồng thời, yêu cầu chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để sơ tán, di dời dân, thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu…