"Học nội dung này để làm gì?"
Thầy Trần Mạnh Tùng, một giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, cho hay, chương trình Toán ở bậc THPT hiện nay còn nhiều kiến thức hàn lâm, nặng về lý thuyết.
“Khá nhiều nội dung không cần phải đưa vào bậc phổ thông hoặc nếu có cũng chỉ nên ở mức độ nhẹ nhàng như số phức, lượng giác, tích phân… Tôi thấy chương trình khá nặng với học sinh và chưa thực sự cần thiết”.
Bất cập khác, theo thầy Tùng, chương trình Toán THPT đang xa rời thực tiễn. Nhiều bài toán nặng về lý thuyết, chưa thực tế.
“Ví dụ các bài tập có yếu tố thực tiễn cũng hầu như giả định, “bịa ra” chứ không phải thực tế về mặt khoa học. Một bài toán thực tiễn đúng nghĩa phải được đo đạc, tính toán từ thực tế rồi đưa vào môn học”, thầy Tùng cho biết.
Phương pháp dạy học Toán vẫn đa số theo truyền thống, tức là tổ chức truyền thụ một chiều, giới thiệu lý thuyết, hướng dẫn bài mẫu rồi thực hành.
Cũng theo thầy Tùng, các học sinh có thể làm đến vài trăm bài tập của cùng một kiểu. Thầy giáo này lấy ví dụ với chương trình Toán lớp 9. Cụ thể, các bài toán rút gọn biểu thức chứa căn, bài tập về đường tròn, từ đầu đến cuối năm, mỗi em phải làm hàng trăm bài, trong khi tính ứng dụng rất thấp, chỉ phục vụ cho việc đi thi vào lớp 10.
Phần kiến thức lượng giác của lớp 10 và 11 cũng được đánh giá là nặng nề khi các học sinh phải học gần 100 công thức lượng giác để biến đổi những biểu thức. Trong khi, các kiến thức này ứng dụng vào đời sống không cao và nếu có cũng không cần tính toán phức tạp như vậy.
Thầy Tùng cũng dùng dẫn chứng hình không gian ở lớp 11 và 12 để bảo vệ quan điểm của mình. Theo thầy, học sinh làm hàng trăm bài chứng minh vuông góc, tính góc, tính khoảng cách, thể tích... nhưng đều là những giả định trên hình, trong đời sống không tính như vậy hoặc phần số phức chỉ nên dạy ở đại học.
"Các học sinh của tôi thường hỏi: "Học nội dung này để làm gì?" và câu trả lời đôi khi cũng rất khiên cưỡng… Trong khi, hiện nay, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, những câu về max, min của số phức lại được xác định vào nhóm những câu phân hóa học sinh mạnh nhất. Điều này dẫn đến thầy và trò lại phải đầu tư nhiều thời gian để học và luyện phần kiến thức này”, thầy Tùng phân tích.
Theo thầy Tùng, việc thi cử hiện nay cũng dẫn đến chuyện “học để đi thi”. “Đề thi có nhiều bài đánh đố, không nhìn thấy ở đâu trong thực tiễn. Nhiều đề toán như được sáng tạo ra chỉ để ‘làm khổ học sinh’, không mang nhiều ý nghĩa. Nhưng tâm lý học để thi đã ăn sâu và nếu không học theo cách đấy, khi thi không đạt điểm cao”, thầy Tùng nói.
Theo thầy Tùng, các trường đang dần nhận ra và tự khắc phục, song cũng chỉ được phần nào bởi vẫn trong một “sân chơi” chung.
Giáo viên này cho rằng, vai trò của môn Toán là rất lớn. Điều quan trọng là chúng ta triển khai chưa phù hợp. Môn Toán không chỉ dạy học sinh tính toán, còn nhiều năng lực khác, rõ nhất là năng lực tư duy logic, cách suy nghĩ, làm việc khoa học.
“Đừng nghĩ rằng học Toán chỉ để tính toán. Lập luận của một số người rằng “không học Toán, nhưng đi chợ vẫn tính vèo vèo” là chưa hiểu đầy đủ”, thầy khẳng định.
Dạy và học chưa làm nổi bật ý nghĩa môn Toán
Thầy L., giáo viên dạy Toán tại một trường chuyên ở Nghệ An, cho rằng, một số kiến thức trong môn Toán nhiều người nghĩ rằng không giúp ích cho con em mình trong thực tiễn sau này là phiến diện. Bởi Toán học còn có một ý nghĩa quan trọng đó là rèn luyện tư duy cho người học.
“Tư duy phải được rèn luyện trên nền tảng kiến thức. Từ tư duy đó, các học sinh có thể vận dụng ở các lĩnh vực trong cuộc sống, không phải mang cụ thể một kiến thức nào đó ra áp dụng mới được coi là có ý nghĩa”, thầy L. nói.
Theo thầy L., việc nhiều người cho rằng một số kiến thức Toán ở phổ thông không có tính ứng dụng nguyên nhân mấu chốt nằm ở cách dạy học của các giáo viên, nhà trường hiện nay chưa làm nổi bật, làm rõ ý nghĩa của kiến thức Toán.
Phần lớn, giáo viên vừa phải lo đảm bảo kiến thức, thời gian chương trình vừa phục vụ vấn đề thi cử của học sinh.
“Giáo viên phải tập trung lo cho việc học sinh nắm được kiến thức và có kỹ năng để xử lý các bài toán, đáp ứng cho các kỳ thi. Vì vậy, thời gian để làm rõ những ý nghĩa, ứng dụng của các kiến thức thực tế chưa được để tâm nhiều”, thầy giáo này phân tích.
Bên cạnh đó, việc không làm rõ được những áp dụng, ứng dụng thực tiễn của kiến thức Toán cũng do các đề thi đánh giá hiện nay ít câu hỏi có nội dung thực tiễn.
“Hàm lượng các câu hỏi trong các đề thi, đề kiểm tra có nội dung liên quan ứng dụng kiến thức vào thực tiễn chưa nhiều. Từ đó, điều này cũng ảnh hưởng ngược lại việc dạy học của giáo viên”.
Bởi theo thầy L., thực tế những kiến thức tích phân, đạo hàm, logarit... có ứng dụng nhất định và được bắt nguồn từ những bài toán thực tiễn. Ví dụ, logarit có nhiều ứng dụng như để đo nồng độ các chất trong hóa học và y học, xử lý dữ liệu các bài toán lãi suất, tăng trưởng dân số... Tích phân để tính diện tích, thể tích các vật thể...
“Cách dạy cũng như cách ra đề kiểm tra, đánh giá hiện nay phần lớn chưa liên kết được tính vận dụng trong thực tiễn. Do đó, khiến xã hội, học sinh hiểu rằng những kiến thức này vô nghĩa, không có tính ứng dụng”, thầy L. nói.
Đồng quan điểm, thầy Trần Mạnh Tùng cũng cho rằng, ngoài đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học như Bộ GD-ĐT đã và đang triển khai, cần đổi mới việc kiểm tra, đánh giá và thi cử theo hướng đánh giá năng lực.
“Tức không phải học sinh biết gì, chúng ta cần đánh giá có được năng lực gì hay có thể làm được gì. Dạy và học phải "nhúng" Toán và đời sống và ngược lại, để học sinh được học, thực hành và trải nghiệm ngay trong môn học”, giáo viên này cho biết.
Sau khi VietNamNet đăng tải bài viết Toán phổ thông quá khó, học đại học và đi làm có cần đến?, Ám ảnh vì học Toán phổ thông, 10 năm ra trường chưa một lần ứng dụng, rất nhiều độc giả bày tỏ chương trình Toán bậc THPT tại Việt Nam khá nặng nề và tính ứng dụng chưa cao. Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Quý độc giả có thể gửi ý kiến về phần bình luận dưới bài viết hoặc theo địa chỉ email [email protected]. Xin cảm ơn! |