- Ngày 7/9 kết thúc đợt xét tuyển thứ hai. Nhưng với rất nhiều trường, kỳ tuyển sinh chưa dừng lại.
Chỉ có một số trường tới cuối đợt xét tuyển thứ hai này có số lượng hồ sơ ĐKXT đủ hoặc nhiều hơn so với chỉ tiêu như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên…
Ảnh Lê Anh Dũng |
Đặc biệt, khối các trường công an, quân đội có điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung cũng ở ngưỡng cao.
Bốn trường tuyển hệ quân sự gồm: Học viện Hậu cần 4 chỉ tiêu khối A và mức điểm nhận hồ sơ từ 25 điểm trở lên. Trường chỉ nhận thí sinh từ Quảng Bình trở ra và đủ điều kiện sức khỏe, không trúng tuyển NV1.
Trường sĩ quan chính trị tuyển bổ sung 10 chỉ tiêu khối A và khối C với mức điểm nhận hồ sơ của hai khối là 24,5 điểm.
Trường sĩ quan Pháo binh tuyển 18 chỉ tiêu khối A, mức điểm nhận hồ sơ là 19,25 điểm. Cuối cùng là Trường sĩ quan Tăng thiết giáp tuyển 5 chỉ tiêu bổ sung khối A với mức điểm nhận hồ sơ là 20,25 điểm.
Đối với 11 trường tuyển bổ sung hệ dân sự, trường có chỉ tiêu bổ sung lớn nhất là Học viện Kỹ thuật Quân sự, tuyển 684 chỉ tiêu cho hai hệ ĐH và CĐ, gồm hai khối A và A1. Mức điểm nhận hồ sơ đối với ĐH là 17,5 và 18,5, hệ CĐ từ 12 điểm.
Trong khi đó, không ít trường công lập và đa phần các trường ngoài công lập dù điểm nhận hồ sơ ở mức điểm sàn nhưng vẫn còn rất nhiều chỉ tiêu xét tuyển, và đã… sẵn sàng để tiếp tục chờ đợi thí sinh.
Trường ĐH Phương Đông tính đến ngày 7/9 nhận được khoảng 450 hồ sơ ĐKXT nguyện vọng bổ sung trên tổng số hơn 1.300 chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo thống kê, số lượng hồ sơ thí sinh nộp vào Trường ĐH Hoa Sen ở nguyện vọng bổ sung tính đến hết 12 giờ ngày 5/9 cho thấy trong khi các ngành thuộc khối kinh tế lượng hồ sơ nộp về đã gấp 2 - 3 lần so với chỉ tiêu cần tuyển, thì nhiều ngành khác nhận được rất ít hồ sơ. Ví dụ như ngành thiết kế đồ họa mới nhận được 7 hồ sơ/ 70 chỉ tiêu, thiết kế thời trang 1 hồ sơ/ 40 chỉ tiêu, thiết kế nội thất 1 hồ sơ/ 60 chỉ tiêu, hệ thống thông tin quản lý 18 hồ sơ/ 60 chỉ tiêu, công nghệ kỹ thuật môi trường 16 hồ sơ/ 60 chỉ tiêu…
Ông Vũ Văn Hóa, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết trường sẽ còn khoảng 3 nghìn chỉ tiêu tiếp tục tuyển sinh. “Số hồ sơ trường nhận được trong đợt này mới trên 1.000, nhưng chúng tôi lo có tương đối nhiều hồ sơ ảo vì thí sinh được nộp tới 3 nơi”. Ông Hóa cho biết trường đang đề nghị Bộ GD-ĐT cho xét tuyển bằng cả học bạ THPT.
Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng còn khoảng 300 chỉ tiêu trên tổng số 800 chỉ tiêu. Tuy nhiên, với khoảng 500 hồ sơ ĐKXT đã nhận được, trường cũng rất lo lắng về số lượng hồ sơ ảo. Trường này cho biết sẽ liên tục nhận hồ sơ ĐKXT từ nay đến khi đủ chỉ tiêu hoặc tới khi kết thúc thời hạn xét tuyển quy định của Bộ vào cuối tháng 10.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam bày tỏ sự lo lắng khi mới nhận được khoảng 800 hồ sơ ĐKXT bổ sung trong đợt này. “Tôi còn lo rằng số thí sinh thực đến nhập học sẽ chỉ bằng 1/3 so với số nộp hồ sơ ĐKXT vì các em có hẳn 3 phiếu báo điểm để đăng ký xét tuyển ở các trường. Những ngành truyền thống của trường, liên quan tới lâm nghiệp, là những ngành khó tuyển nhất”.
Ông Tuấn cho biết trường sẽ tăng cường quảng bá, tuyên truyền phổ biến thông tin của trường tới các thí sinh. Số lượng chỉ tiêu mà trường tiếp tục tuyển trong thời gian tới là trên 1.000…
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường công bố kết quả xét tuyển đợt 2 trước ngày 10/9. Đợt 3, các trường nhận đăng ký từ ngày 11 - 21/9, công bố kết quả trước ngày 24/9. Đợt 4, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận đăng ký từ ngày 25/9 đến ngày 15/10 và công bố kết quả trước ngày 19/10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10. Từ ngày 20/10, các trường CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu, chủ động công bố thời gian nhận đăng ký xét tuyển và công bố kết quả trước ngày 20/11. Tuyển sinh CĐ kết thúc vào ngày 21/11. Theo Quy chế, sau khi đã đăng ký vào trường trong các đợt bổ sung, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. |
Ngân Anh