Lãnh đạo của các công ty sản xuất chip điện tử hàng đầu nước Mỹ Intel và Xilinx Inc đã tham dự một cuộc họp vào cuối tháng 5 với Bộ Thương mại để bàn luận về một phương án phản hồi cho việc Huawei bị đưa vào danh sách đen của Chính phủ - một nguồn tin cho biết.
Lệnh này cấm các nhà cung cấp Mỹ bán sản phẩm cho Huawei - tập đoàn thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – nếu không có sự cho phép đặc biệt. Lí do Chính phủ Mỹ đưa ra là dựa trên vấn đề an ninh quốc gia.
Bốn nguồn tin khác cho biết công ty Qualcomm cũng đã hối thúc Bộ Thương mại về vấn đề này.
Huawei là một khách hàng lớn của các nhà cung cấp linh kiện điện tử Mỹ. |
Các nhà sản xuất chip điện tử cho rằng, các sản phẩm phổ thông của Huawei như điện thoại thông minh và máy chủ máy tính thường sử dụng các linh kiện phổ biến rộng rãi, và rất ít khả năng có thể mang đến nhiều lo ngại về rủi ro an ninh như các thiết bị cho hệ thống mạng 5G.
“Việc này không phải là giúp đỡ Huawei, mà là giảm thiểu tổn hại cho các công ty của Mỹ”, một nguồn tin cho biết.
Trong số 70 tỉ USD mà Huawei đã bỏ ra để mua linh kiện trong năm 2018, khoảng 11 tỉ USD được trả cho các công ty Mỹ như Qualcomm, Intel và Micron Technology Inc.
Chẳng hạn như với Qualcomm, công ty này muốn được tiếp tục cung cấp chip điện tử cho Huawei đối với các thiết bị phổ thông như điện thoại và đồng hồ thông minh – một nguồn tin nắm rõ về tình hình ở công ty này cho biết.
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (SIA) xác nhận đã thay mặt các công ty này sắp xếp các buổi tư vấn với Chính phủ Mỹ, để giúp họ tuân thủ và phổ biến cho các quan chức về tác động của lệnh cấm lên các công ty.
“Với những công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, có lẽ chúng không nên bị áp dụng trong lệnh cấm. Và chúng tôi đã trình bày quan điểm này với chính phủ”, ông Jimmy Goorich, Phó giám đốc Chính sách toàn cầu của SIA cho biết.
Lệnh cấm này được đưa ra không lâu sau khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung sụp đổ sau nhiều tháng thương lượng, dẫn đến việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc sử dụng tình báo doanh nghiệp, trộm cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghê.
Google, một công ty bán linh kiện, phần mềm và các dịch vụ kĩ thuật cho Huawei, cũng đã tự bào chữa để có thể tiếp tục bán sản phẩm cho tập đoàn đến từ Trung Quốc – Chủ tịch Huawei Liang Hua cho biết vào đầu tháng này.
Trong một bài phỏng vấn tại Mexico, ông Andrew Williamson, Phó giám đốc Quan hệ công chúng của Huawei cho biết Huawei chưa bao giờ đề nghị ai thay mặt công ty này vận động hành lang.
“Họ đang tình nguyện làm những việc này, bởi vì đối với họ, Huawei là một trong những khách hàng lớn nhất”, ông Williamson nói và cho biết thêm rằng, các nhà sản xuất chip điện tử biết việc cắt bỏ Huawei sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với họ.
Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng các công ty Mỹ đang phải rất cẩn trọng. Họ không muốn bị xem là đang giúp đỡ một đơn vị bị cáo buộc gián điệp và vi phạm lệnh trừng phạt, nhưng cũng không muốn mất đi một khách hàng, không muốn Huawei đi tìm nguồn cung khác.
Anh Thư