Instacart, công ty chuyên giao thực phẩm, ra mắt tính năng mới mang tên “Leave at My Door Delivery” (tạm dịch: giao hàng tại cửa). Khi lựa chọn hình thức này, gói hàng sẽ được đặt ở cửa nhà khách hàng trong thời gian hẹn trước thay vì nhận trực tiếp. Instacart cho biết đã thử nghiệm tính năng này trong vài tháng gần đây và quyết định triển khai cho toàn bộ khách hàng vì nhu cầu gia tăng.

Tùy chọn "Leave order at my door" (đặt đơn hàng tại cửa) của Postmates. Ảnh: CNN

Startup giao đồ ăn theo yêu cầu Postmates cũng giới thiệu dịch vụ tương tự. Dịch vụ giao hàng thực phẩm FreshDirect thông báo trên website về việc “nhân viên giao hàng sẽ mang đơn hàng tới tận cửa nhưng không vào nhà trong thời điểm này”.

Khi các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng tại Mỹ, những nhân viên giao hàng phải “xông pha” do mọi người tránh dùng phương tiện công cộng, phụ thuộc vào chuyển phát tại nhà thay vì đến các nhà hàng, cửa hiệu như trước đây.

Mô hình “giao hàng không tiếp xúc” đã được các công ty Trung Quốc như Ele.me, Meituan Dianping sử dụng trong dịch Covid-19. Tại đây, người dùng lựa chọn điểm giao hàng, tránh giao tiếp trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng. Nhân viên đi xe đạp, xe máy, xe điện được khử trùng và đeo khẩu trang. Thậm chí, còn có mảnh giấy đi kèm ghi rõ nhiệt độ của đầu bếp chế biến và nhân viên giao hàng để người dùng yên tâm.

Tại Hàn Quốc, do nhiều người lựa chọn ở nhà hơn, các ứng dụng giao hàng chứng kiến số đơn đặt hàng tăng vọt. Tuy nhiên, chính những nhân viên giao hàng cũng phải lo lắng vì họ thường tiếp xúc với nhiều người. Một nhân viên giấu tên nói trong phòng chat của một liên đoàn lao động trên KakaoTalk: “Sẽ là thảm họa nếu nhân viên bị nhiễm Covid-19”.

Park Jung Hoon, Giám đốc Rider Union – liên đoàn của các nhân viên chuyển phát – cho rằng nếu một trong số họ dương tính với virus, họ sẽ trở thành mục tiêu và bị đổ lỗi vì đã lan truyền virus. Do đó, Rider Union ra thông báo kêu gọi mọi hãng chuyển phát có biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên và quyền lợi của họ.

“Tất cả nhà cung cấp dịch vụ nên có biện pháp để nhân viên có thể giao hàng không cần tiếp xúc. Họ nên thông báo cho khách hàng rằng việc giao hàng có thể hoàn tất mà không cần tiếp xúc, bảo đảm mọi đơn hàng đều được thanh toán trước”.

Liên đoàn cũng kêu gọi các công ty cấp khẩu trang, nước rửa tay và trả lương cho những nhân viên bị cách ly.

Nhận thức được tính chất của dịch bệnh, một số công ty chuyển phát Hàn Quốc đã cung cấp đồ bảo hộ và có quy định phòng ngừa cho nhân viên. Baemin Riders cho biết đã phát khẩu trang và nước rửa tay cho tất cả 2.300 nhân viên giao hàng. Yogiyo cũng có biện pháp tương tự.

Mesh Korea, nhà điều hành dịch vụ giao đồ ăn Vroong, nói đã khử trùng thiết bị của tất cả nhân viên giao hàng, bao gồm cả thùng đựng và xe máy, thực hiện ít nhất một lần mỗi tuần. Công ty cũng trả lương cho nhân viên nếu họ bị cách ly trong cơ sở y tế do chính phủ chỉ định.

Coupang, gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc, đã triển khai dịch vụ giao hàng “untact”, trong đó nhân viên đặt hàng trước cửa để giảm tiếp xúc với khách hàng.