Báo cáo “Đánh giá 63 cổng DVC cấp tỉnh từ góc độ người dùng” được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa chính thức được công bố trên website của IPS.

Cong DVC.jpg
Nhiều cổng DVC vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng, gây khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.

Kết quả đánh giá 63 cổng DVC năm 2024 cho thấy sự cải thiện trong việc cung cấp DVCTT ở những tiêu chí nhỏ thuộc bốn nhóm tiêu chí. So với đánh giá năm 2023, nhiều địa phương đã có những sự thay đổi đáng kể về giao diện cũng như quy trình thực hiện thủ tục hành chính.

Cụ thể, nhiều lỗi về giao diện của các cổng DVC đã được khắc phục. Các vấn đề liên quan đến nội dung không phù hợp với màn hình, font chữ quá nhỏ và các phần tử sắp xếp gần nhau đã được cải thiện rõ rệt.

62/63 cổng DVC đã đăng tải tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng (tăng đáng kể so với 17 cổng vào năm 2023). 32 địa phương đã cung cấp tài liệu hướng dẫn dưới ba hình thức: văn bản, hình ảnh và video, tiến bộ đáng kể so với năm 2023 (chỉ có 23 cổng DVC cung cấp tài liệu hướng dẫn). Tất cả 63 cổng cung cấp công cụ tra cứu thông tin và tính năng tìm kiếm nâng cao, với 22 cổng bổ sung phương thức tra cứu qua tin nhắn SMS, Zalo hoặc mã QR.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cổng DVC vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng, gây khó khăn trong việc tiếp cận DVCTT. Tất cả 63 cổng DVC đều có những điểm chưa thuận tiện, không địa phương nào đạt trên 50% số tiêu chí ở mức tốt. 

Về đảm bảo quyền lợi của người dùng, 60 cổng DVC chưa đạt tiêu chí bảo vệ dữ liệu cá nhân; 39 cổng chưa đạt tiêu chí tiếp cận đối với người khuyết tật. Nhiều công cụ chỉ dừng lại ở mức điện tử hóa văn bản mà chưa số hóa quy trình. Việc thanh toán trực tuyến vẫn gặp khó khăn. 

Nhiều địa phương gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, năng lực thực hiện DVCTT của cán bộ chưa đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Nhiều cổng DVC chưa có các công cụ và phương thức hỗ trợ cho những người gặp khó khăn trong việc đọc hiểu và thực hiện các thủ tục. Kết quả là, dù đã được cấp tài khoản, người dân vẫn không thể tự thực hiện các dịch vụ công trực tuyến một cách thuận tiện, vẫn phải dựa vào công chức.

“Bản thân tôi là công chức, hàng ngày đọc, xử lý nhiều văn bản hành chính và thủ tục hành chính, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục trực tuyến. Nói gì đến người cao tuổi, người dân trình độ học vấn thấp, không quen với mạng và công nghệ, càng khó khăn hơn”, một công chức tại một tỉnh duyên hải miền Trung chia sẻ.