Sáng nay (12/11), thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, có nhiều câu hỏi đặt ra, việc này có làm tăng biên chế, tăng lực lượng, cồng kềnh, chồng chéo?

{keywords}
Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội

Theo tướng Hải, sau khi Bộ Công an triển khai lực lượng chính quy xuống xã, lực lượng công an bán chuyên trách có dấu hiệu “mai một dần”. Trong tổng số 126 nghìn cán bộ công an xã bán chính quy trước kia nay đã giảm xuống chỉ còn 1/4.

Ông ví dụ ở Hà Nội, sau khi triển khai 2.500 cán bộ chính quy xuống 383 xã, thì hơn 5.500 cán bộ công xã đến nay đã giảm hơn 25%, tức giảm 1/4 lực lượng.

Nói về nguyên nhân, ông Hải cho biết, hiện phụ cấp cho lực lượng công an xã bán chính quy rất thấp, chỉ với hơn 1 triệu đồng, cộng với xã, phường cho thêm, tổng chỉ khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng.

Trong khi đó đất cát ngoại thành Hà Nội, nhà nào cũng có vài nghìn mét, giá 5-7 triệu mỗi mét. Mức sống người dân cao, trong khi đó lương của lực lượng này chỉ 2 triệu đồng, lại phải bỏ việc nhà đi làm nhiệm vụ, là vấn đề khó khăn.

“Chúng tôi đã mất 1/4 lực lượng công an bán chính quy”, ông Hải nói.

Ông bày tỏ, nếu không có chế độ chính sách tốt, sắp tới công an bán chuyên trách sẽ làm đơn xin nghỉ hàng loạt.

“Hiện rất nhiều đồng chí đang xin nghỉ, chúng tôi vẫn để đơn đó, chưa giải quyết và đang cố gắng động viên”, ông Hải chia sẻ.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành luật, ông nói thêm: "Tôi đã từng làm trọng án nhiều năm tôi biết. Khi xuống địa bàn, trưởng, phó công an xã đều có mặt, trả lời vanh vách từng trường hợp con nhà ai, quan hệ với ai, nhưng công an chính quy thì chịu, vì toàn người nơi khác về, không nắm được ngọn ngành từng gia đình, từng người. Nếu không có lực lượng này, chúng tôi sẽ thất bại trong việc đảm bảo an ninh trật tự cơ sở”.

Nói về thu nhập cán bộ địa phương, ĐB Phạm Quang Thanh - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) cho rằng, giờ tìm được cán bộ công tác ở xã rất khó khăn, vì lương, phụ cấp thấp. Con em lớn lên vào nội thành tìm việc, công nhân thu nhập cũng 7-8 triệu mỗi tháng, trong khi cán bộ cơ sở lương lại rất thấp.

Có nơi không ai dám “ôm” chức trưởng thôn cả, bầu đi bầu lại không được, không ai dám nhận, vì họ nói không có phó trưởng thôn không làm được.

“Tôi lo ngại chỉ sau 5-10 năm nữa, những người vào làm việc ở xã chỉ chủ yếu do không kiếm được việc gì, bắt buộc phải làm thôi”, ông Thanh nêu, đồng thời cân nhắc về vấn đề tăng thu nhập cho cán bộ cơ sở.

Cũng theo Bí thư Sóc Sơn, điểm mạnh của cán bộ địa phương là hiểu về địa phương, kể vành vách từng người một. Nhưng lại có cái dở là thường “nhắm mắt bỏ qua”, vì toàn con cháu mình cả, nên việc đưa công an bán chuyên về rất phù hợp.

Không làm phát sinh lực lượng mới

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá, cần thiết có luật này để có những mô hình mới song cần có sự phối hợp phù hợp hơn.

{keywords}
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh

Ông lấy ví dụ tại Hà Giang có những mô hình được thành lập từ cơ sở phát huy tốt vai trò. Đơn cử như việc thành lập mô hình quản lý tại làng Mông có sự tham gia của công an, biên phòng, phật tử, các giới, giúp ổn định tình hình của vùng biên giới trước đây rất phức tạp và giải quyết nhiều vụ việc mà trước đó chưa giải quyết được.

“Việc thành lập lực lượng cơ sở là cần thiết, trong khi hiện nay chỉ có công an viên thôn xã, dân quân tự vệ. Vấn đề vận hành mô hình này phải chặt chẽ hơn, tạo sự gắn kết, bởi có thể đùn đẩy cho nhau trách nhiệm, nên cần rõ hơn cơ chế phối hợp, thôn bản đảm bảo an ninh trật tự, xử lý tình huống với mối quan hệ cần chặt chẽ hơn giữa các lực lượng tham gia”, ông Vinh nói.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an cho hay, thực tế lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang tồn tại và hoạt động ở địa phương chứ không phải có luật này để sinh ra lực lượng mới.

Đây là lực lượng rất quan trọng, huy động sức mạnh nhân dân, là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, không có lực lượng này là rất khó khăn.

{keywords}
Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Theo Đại tướng Tô Lâm, luật này ra đời không ảnh hưởng hoạt động của các mô hình, phong trào khác. Đây là sức sáng tạo của nhân dân, phù hợp từng địa phương, xóm làng, khu dân cư, phong tục tập quán... nên không hạn chế việc đó.

Bộ trưởng cho biết, lực lượng công an xã bán chuyên trách hiện nay chưa phải kết thúc nhiệm vụ khi có lực lượng chính quy xuống xã, hiểu vậy là sai. Lực lượng này vẫn phải theo Pháp lệnh Công an xã, pháp lệnh này chỉ hết hiệu lực khi có Luật trật tự trị an cơ sở. Các lực lượng này đang tồn tại, hoạt động hiệu quả ở địa phương.

Làm rõ băn khoăn của nhiều ĐB về việc nếu thông qua dự án Luật này có làm cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, chi phí ngân sách tăng thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khi Luật Công an nhân dân chưa ra đời, nhiều tỉnh đã chủ động đầu tư xây dựng trụ sở công an xã khang trang như ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

“Các địa phương đều nói việc ổn định an ninh trật tự, ổn định xã hội là tiền đề cho phát triển, không thể để mất trật tự, thì chủ động với việc đó, chúng tôi rất mừng”, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ.

Khi xây dựng Luật này, Bộ có quan tâm đến việc bố trí, xây dựng trụ sở cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, song do hạn chế về điều kiện kinh tế, công an xã chính quy ở một số nơi còn rất khó khăn nên sẽ tiếp tục thực hiện phương châm dựa vào nhân dân, có thể mượn nhà dân làm việc. Bên cạnh đó, khi ngân sách địa phương có thể thu xếp được thì chưa cần quy định vấn đề này trong dự án luật.

Đại biểu QH băn khoăn việc chuyển quyền cấp GPLX sang Bộ Công an

Đại biểu QH băn khoăn việc chuyển quyền cấp GPLX sang Bộ Công an

ĐB Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề, nếu để Bộ Công an cấp bằng lái xe, vậy với bằng lái máy bay, tàu hỏa, tàu thuỷ... thì Bộ Công an có làm không?  

Hương Quỳnh - Thu Hằng