Thông tin thú vị đó vừa được chia sẻ tại buổi Giao lưu “Phái đẹp với Cách mạng Công nghiệp 4.0” do Code.org (tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ) phối hợp với Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH tổ chức ngày 23/7/2018, tại Hà Nội.

Thực tế lâu nay, công chúng vẫn mặc định nguồn lực chính trong CNTT là phái mạnh, trong khi phái đẹp cũng đang nỗ lực từng ngày, có nhiều đóng góp quan trọng, thậm chí còn thể hiện vai trò tiên phong như: Lập trình viên đầu tiên trên thế giới là một phụ nữ xinh đẹp người Anh - bà Ada Lovelace; hay CEO của YouTube, người phụ nữ quan trọng nhất của Tập đoàn Google là bà Susan Wojcicki; hay Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg được coi là nữ triệu phú tài năng của tập đoàn này; và còn rất nhiều phụ nữ khác đang ngày đêm nỗ lực thay đổi thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Do nhận thức chưa đầy đủ về năng lực và vai trò của phái đẹp trong CMCN 4.0, phần đông phụ nữ vẫn còn đứng ngoài cuộc, chưa mạnh dạn dấn bước vào cuộc cách mạng của thời đại. Nhiều cô gái vì định kiến CNTT là nghề của đàn ông, thiếu sự khuyến khích và ủng hộ của gia đình mà bỏ qua cơ hội để sánh bước cùng phái mạnh, thay đổi thế giới. Điều này làm CMCN 4.0 đã thiếu nhân lực, nay lại càng thiếu trầm trọng hơn.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Hương băn khoăn: “Là chủ doanh nghiệp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân lực trong ngành CNTT. Còn trong quá trình điều hành Câu lạc bộ Mạng lưới nữ lãnh đạo quốc tế, chúng tôi đã cố gắng đưa ứng dụng công nghệ vào quản trị mạng lưới, để từng bước giúp các nữ lãnh đạo làm quen với công nghệ. Nhưng họ thường ở độ tuổi 35 – 55, giai đoạn mà việc tiếp nhận cái mới không dễ dàng”.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA) nhận định: Nữ giới có nhiều thế mạnh, ưu điểm vượt trôi hơn nam giới trong lĩnh vực CNTT, kỹ thuật số (chẳng hạn như cẩn thận, tỉ mỉ hơn trong công việc), nhưng số lượng lập trình viên nữ, cán bộ nữ trong doanh nghiệp CNTT ít hơn nam giới rất nhiều. Nhiều người hay có suy nghĩ trong đầu rằng việc này rất khó, vất vả, nên chọn nghề khác để công việc nhẹ nhàng hơn.

Bà Lê Hồng Nhi, Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng Tập đoàn Microsoft cũng nhấn mạnh: “Những vị trí liên quan công nghệ rất khó tuyển nữ. Nhiều khi 10 hồ sơ nộp chỉ có 2 hồ sơ của nữ. Bên cạnh đó, Microsoft rất khó khăn khi tìm kiếm các nữ sinh để trao học bổng. Một thế kỷ tới, dự kiến nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ tăng 70%, và theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 97% các công việc trong tương lai sẽ đòi hỏi kỹ năng số (tất cả các ngành từ khách sạn đến thiết kế thời trang, bác sĩ… đều cần kỹ năng số). Nhu cầu CNTT vô cùng quan trọng. Phụ nữ không trang bị kỹ năng số, dù làm ngành nghề gì cũng ở nguy cơ cao bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phụ nữ được ưu tiên nhưng bước cản lớn nhất với phụ nữ lại là chính họ”.

Một thông tin khá thú vị được công bố tại buổi giao lưu là nhiều cô gái không chọn nghề CNTT, lập trình viên chỉ vì sợ ngành công nghệ khiến mình bớt quyến rũ, bớt hấp dẫn, bớt cơ hội gặp bạn đời. Hình ảnh của người phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thường được gắn với những người phải đeo kính, ngồi kỳ cụi bên máy tính.

“Nghiên cứu của Microsoft cho thấy một trong những nguyên nhân khiến nữ giới không thích theo ngành công nghệ là bởi vì không có những girl model (hình mẫu) sexy, quyến rũ để họ theo. Hình tượng về nữ lập trình cắm mặt trên máy tính, mặt nổi đầy mụn… rất phổ biến. Trong bối cảnh này, việc tạo dựng ra các girl model là vô cùng cần thiết”, bà Lê Hồng Nhi lưu ý.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Chương trình Giờ Lập trình lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nhằm truyền cảm hứng về lập trình trên toàn thế giới và khuyến khích, hỗ trợ các bạn trẻ tham gia lĩnh vực CNTT với tầm nhìn là tất cả các bạn trẻ ở khắp mọi nơi đều có cơ hội học lập trình tương tự như các môn cơ bản Toán, Lý, Hóa… Đại sứ Giờ lập trình tại Việt Nam là Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Hương.

Giờ Lập trình là chương trình toàn cầu phi lợi nhuận được thành lập tại Mỹ, đã được lan tỏa trên 180 quốc gia, tới 10 triệu bạn trẻ, cùng sự tham dự của các nhân vật nổi tiếng như Cựu Tổng thống Hoa kỳ Barak Obama, Cầu thủ bóng đá Neymar, Ca sỹ Taylor Swift…

Chương trình Giờ Lập trình được bảo trợ bởi các Tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới như: Amazon, Facebook, Google, Microsoft và rất nhiều các tập đoàn khác.