Ghi nhận tại cây xăng Tân Phong nằm ở trung tâm TP Biên Hòa (phường Tân Phong), ngay từ sáng 8/10 cây xăng đã rào chắn xung quanh, bên hông có tấm bảng với nội dung “hết xăng, còn dầu”.

Còn tại trạm xăng dầu Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa), từ chiều tối 7/10 có bán xăng nhưng khống chế số lượng 30.000 đồng/xe máy và 300.000 đồng/ô tô.

Một số cây xăng ở các huyện Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc… cũng rơi vào tình trạng hết hàng hoặc bán cầm chừng. Nhiều hộ dân sản xuất nông nghiệp không khỏi bức xúc vì phải đi rất xa nhưng chỉ đổ được lượng xăng rất ít, thậm chí không có xăng để mua.

Một cây xăng trên địa bàn thành phố Biên Hoà giới hạn chỉ 50.000 đồng/ xe máy

“Tôi ở Xuân Lộc nhưng phải ghé mấy cây xăng mới mua được xăng. Tôi mua xăng về để làm nông nghiệp nhưng nhiều cây xăng chỉ bán 30.000 - 50.000 đồng. Tôi hỏi vì sao thì họ chỉ nói 'đổ thì đổ, không đổ thì thôi'” - anh Thanh Phong cho biết.

Đơn vị nào còn xăng không bán sẽ xử lý nghiêm

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Lâm cho biết, toàn tỉnh có hơn 400 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong thời điểm trước, trong và sau đợt điều chỉnh giá ngày 3/10, Cục đã chỉ đạo các đội trực thuộc duy trì hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Cây xăng Tân Phong thông báo hết xăng, còn dầu

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay lực lượng quản lý thị trường đang trực 24/24 để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cây xăng trên địa bàn. Trường hợp phát hiện đơn vị nào còn xăng không bán thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

“Chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế nhưng hiện chưa phát hiện cây xăng nào có hiện tượng “găm” hàng, đóng cửa không có lý do hoặc không được sự đồng ý của Sở Công Thương bằng văn bản” - ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.