Thông tin về công tác quản lý, triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (bộ, ngành) trong 5 năm qua, từ năm 2012 - 2017 tại hội nghị sơ kết về chữ ký số chuyên dùng được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đăng Đào - Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, đến hết tháng 9/2017, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức bảo đảm cung cấp triển khai trên 26.700 chứng thư số cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Đào, đến hết quý III năm nay, đã có 28/30 cơ quan (chiếm 93%) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Trong số 28 bộ, ngành đã ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, có 25 cơ quan đã thể chế hóa việc áp dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành như Thông tư, Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, Quy định, Quy chế, Kế hoạch…
Đồng thời, công tác hội thảo, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cũng đã được các cơ quan chú trọng triển khai. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2017, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, mở gần 50 lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về chữ ký số và hướng dẫn sử dụng cho trên 7.000 lượt cán bộ tại cán bộ tại các cơ quan, đơn vị được cấp chứng thư số.
Đối với việc triển khai áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cho hay, qua số liệu tổng hợp, khảo sát và kết quả công tác kiểm tra đánh giá cho thấy, việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phính phủ cung cấp đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành tác nghiệp và trao đổi văn bản điện tử tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
“Việc áp dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử đạt tỷ lệ rất cao, có nhiều cơ quan đạt trên 95%, tiêu biểu có thể kể đến là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT…”, đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ thông tin.
Đáng chú ý, về sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo thống kê của Ban Cơ yếu Chính phủ, trong 28/30 cơ quan Bộ, ngành Trung ương đã ứng dụng, 70% các cơ quan đã cung cấp các dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử ở mức độ 2; và khoảng 40% cơ quan đã triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
Đặc biệt, việc áp dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ áp dụng và phát huy được hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, điển hình như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Giao thông Vận tải, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Bên cạnh việc áp dụng chứng thư số có hiệu quả trong công tác điều hành tác nghiệp, văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai áp dụng rộng rãi, hiệu quả trong hệ thống thư điện tử công vụ, các hệ thống thông tin chuyên ngành như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ...
Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian qua, hoạt động đảm bảo, cung cấp chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số có nhiều tiến bộ vượt bậc, đáp ứng nhu cầu gia tăng rất mạnh qua từng năm. Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức sản xuất, đảm bảo cung cấp chứng thư số tại 3 miền Bắc - Trung - Nam đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu về cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2017, đã bảo đảm cung cấp trên 85.000 chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trugn ương và 63 địa phương. Số liệu thống kê cũng cho thấy, nếu như giai đoạn 3 năm từ 2007 - 2009, số lượng chứng thư số cung cấp chỉ dừng lại ở con số gần 2.000, thì 3 năm sau đó (2010 - 2012) đã tăng trưởng gấp 5 lần; đặc biệt 5 năm sau (2013 - 2017) thì nhu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã tăng trưởng gấp 7 lần so với cả 2 giai đoạn trước đó.