Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai Chỉ thị số 41 ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.
Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2625 ngày 30/9/2022.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh phát động và tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông, biện pháp giảm thiểu và giải pháp thay thế nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy tại cơ quan, đơn vị.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) cùng các chuyên gia xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về truyền thông phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh, biên soạn tài liệu, xây dựng Sổ tay phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, từ công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đến kiện toàn, mở rộng mạng lưới thu gom, quy hoạch vị trí các khu xử lý chất thải rắn. Một số dự án trọng tâm về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của tỉnh đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Thu gom nước mặt Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2; Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam, đưa Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam vào vận hành, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công tác xử lý rác thải tại các Khu xử lý rác thải tập trung Tam Nghĩa, Tam Xuân 2 - huyện Núi Thành, và kịp thời xử lý, chủ động khắc phục khi có sự cố xảy ra.
Về nguồn lực đầu tư cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã khuyến khích các thành phần kinh tế, huy động các nguồn lực tư nhân đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, thành phố Hội An nhận được nhiều hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành được các mức phí vệ sinh, giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá, làm cơ sở để các địa phương áp dụng; qua đó đã huy động được nguồn lực trong cộng đồng để chi trả một phần cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn.
Điển hình như: Việc triển khai đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương vẫn còn chậm do quỹ đất trống của tỉnh không còn nhiều, việc lựa chọn vị trí bố trí khu xử lý chất thải rắn để đảm bảo được khoảng cách an toàn về môi trường gặp nhiều khó khăn.
Nhân lực và vật lực đầu tư hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt tại một số khu vực nông thôn, miền núi khó tổ chức xử lý tập trung liên vùng, nhiều bãi rác quy mô nhỏ vận hành không đảm bảo quy trình, phát sinh mùi hôi, ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm.
Hoạt động phân loại chất thải rắn tại nhà, cũng như phương tiện thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sau phân loại còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến hiệu quả công tác phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Để cải thiện hiện trạng nêu trên, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ưu tiên bố trí nguồn lực, thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, đặc biệt là Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01 ngày 21/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Cơ chế khuyến khích đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xử lý chất rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với từng địa phương, tập trung thực hiện, nhân rộng tại các đô thị lớn như thành phố Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn.