Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sức khỏe đội ngũ cán bộ công nhân nhân viên là chỉ báo cho sức khỏe doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng, sự quan tâm đối với sức khỏe của đội ngũ người lao động đã dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ cam kết của nhân viên với doanh nghiệp.

Trong khảo sát được tiến hành gần đây cho thấy, 67% người lao động đánh giá “chất lượng công việc và cuộc sống” là rất quan trọng; trong đó, tiêu chí “Chăm sóc sức khỏe và thể chất của doanh nghiệp” được 70% người lao động được khảo sát nhận định là tối quan trọng trong việc quyết định đi hay ở tại một công ty. Do đó, hiểu được mong muốn này nên bên cạnh những đãi ngộ về lương, thưởng và môi trường làm việc thì ngày càng nhiều doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn tới việc nâng cao sức khỏe cho đội ngũ cán bộ công nhân viên thông qua các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thiết thực.

"Đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Vấn đề sức khỏe của người lao động càng phải được chú trọng, theo dõi sát sao từ nơi làm việc tới các biện pháp để nâng cao ý thức phòng chống dịch tại nhà", ông Vinh cho hay. 

TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp

Đối tượng áp dụng quy định này là người lao động, người sử dụng lao động; đối tượng làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao. Thời gian thực hiện kể từ ngày ký ban hành đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cũng như ban hành các quy định, nội quy, chế tài trong đơn vị nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở lao động.

{keywords}
Ảnh minh họa: Trần Hảo

Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới và tổ chức ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 giữa đơn vị quản lý và người sử dụng lao động.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở lao động; xây dựng phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN; tổ chức diễn tập phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp.

Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN, tổ chức tập huấn thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho người quản lý đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động.

Đáng chú ý, văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát thông tin người lao động ngoại tỉnh, lao động nước ngoài đang làm việc tại các KCN để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thành phố sẽ tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN; cập nhật dữ liệu bản đồ sống chung an toàn với COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và KCN.

Cùng với việc tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở lao động, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc.

Cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết TPHCM đã có ca mắc COVID-19 là người lao động trong một số khu công nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay, TPHCM chưa ghi nhận có sự lây lan dịch bệnh trong các KCN. Ngành y tế TPHCM đã tổ chức xét nghiệm mở rộng tại các cơ sở sản xuất, lao động trong KCX, KCN, khu công nghệ cao với số lượng trên 53.000 mẫu nhưng chưa phát hiện thêm người mắc COVID-19.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã đề nghị tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương nhằm quản lý chặt các hoạt động trong KCN nhu yêu cầu người lao động khai báo y tế đầy đủ, theo dõi sức khỏe, nắm bắt thông tin kịp thời nếu có những người nghỉ làm, kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào khu công nghiệp, nắm rõ thông tin người lao động để cung cấp cho công tác điều tra truy vết khi cần…

Tư Giang