- Trước thực tế nhiều bệnh viện tư chỉ hoạt động 40-50% công suất, để tồn tại, một số đã phải liên kết, trở thành vệ tinh của các bệnh viện lớn.
Chỗ mặn mà, nơi thờ ơ
Tại hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hoá và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh” ngày 16/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra hàng loạt khó khăn của bệnh viện tư trong thời gian qua.
Hiện cả nước có 171 bệnh viện tư nhân với gần 11.000 giường bệnh. Trong đó chỉ có 37 bệnh viện có quy mô trên 100 giường bệnh trở lên.
Bộ trưởng Y tế khuyến khích kết hợp bệnh viện công - tư. Ảnh: T.Hạnh |
Đáng lưu ý, chỉ có 5 bệnh viện tư có công suất >=100%, số còn lại chỉ đạt 40-50% công suất, cá biệt có bệnh viện chỉ đạt khoảng 20%.
“Tôi rất chia sẻ với các bệnh viện tư khi công suất hoạt động thấp, khó khăn trong thanh toán BHYT và tâm lý người dân chưa thực sự tin tưởng”, Bộ trưởng nói.
Trước thực trạng trên, nhiều bệnh viện tư nhân phía Nam đã phải liên kết, trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện công lập lớn để tồn tại.
Bộ trưởng dẫn chứng, hiện đã có 5 bệnh viện tư nhân phía Nam trở thành vệ tinh như Hồng Ngọc, Thành Đô trở thành bệnh viện vệ tinh của Ung bướu TP.HCM...
Tuy nhiên tại các tỉnh phía Bắc, xu hướng liên kết bệnh viện công - tư chưa được hình thành.
“Nghị quyết 93 về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế không ưu tiên cho y tế tư nhân, cơ chế tài chính khó khăn nhưng Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ tối đa về chuyên môn, thương hiệu. Giờ các bệnh viện công không hào hứng thì mình phải chủ động đến liên hệ với họ để liên kết”, Bộ trưởng kêu gọi.
Theo Bộ trưởng Tiến, việc kết hợp công - tư là giải pháp để khai thác có hiệu quả cơ sở, vật chất của các bệnh viện tư chưa khai thác hết công suất, giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao những bệnh viện này, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.
Chỉ định xét nghiệm quá mức
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đánh giá, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế là một hoạt động hiệu quả, giúp người dân được thụ hưởng chất lượng y tế tốt hơn. Tuy nhiên thời gian qua hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập.
“Xã hội hoá y tế của ta không quy hoạnh rõ ràng, chỉ tập trung tại một số thành phố lớn. Các dịch vụ có khả năng thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận như liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm tới 80%”, ông Thảo dẫn chứng.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: T.Hạnh |
Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng các dịch vụ xã hội hoá cũng chưa được thường xuyên. Ví dụ kỹ thuật chụp CT hiện nay được BHYT thanh toán 500.000 đồng, có nơi lắp máy tốt thì không đủ nhưng có nơi chỉ lắp máy Trung Quốc mấy trăm triệu thì có lời.
“Chính việc không kiểm soát được chất lượng máy móc khiến các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, gây tốn kém cho người dân”, ông Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra theo ông Thảo, tình trạng tự ý lắp đặt máy móc xã hội hoá còn diễn ra phổ biến. Trong số gần 2.000 máy của cả nước thì 38% không có đề án, bệnh viện tự lắp đặt rồi thông báo bảo hiểm thanh toán. Với các máy cho thuê mượn thì cũng đến hơn 60% không có đề án.
Cũng theo ông Thảo, tại một số bệnh viện có hiện tượng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán quá mức các máy xã hội hoá.
“Tại bệnh viện Uông Bí và Bãi Cháy Quảng Ninh, phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30-40%, trong khi mức bình quân của nước chỉ trên 20%”, ông Thảo lo lắng.
Một vấn đề khác được ông Thảo quan tâm là giá dịch vụ sau xã hội hoá thu chênh lệch với lớn với giá BHYT.
“Trước BHYT chi trả bệnh nhân chạy thận 250.000 đồng, có bệnh viện thu thêm 200.000 đồng. Giờ BHYT đã nâng lên 460.000 đồng, họ vẫn thu thêm 250.000 đồng. Như này quyền lợi người bệnh rất khó đảm bảo”, ông Thảo nói.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng băn khoăn về giá các bệnh viện thu khi thực hiện xã hội hóa. Có nơi đầu tư hàng trăm tỷ nhưng thu giá gấp 3-4 lần bảo hiểm y tế.
Ông đề nghị Bộ Y tế cần có cơ chế để những bệnh viện chủ chốt thực hiện xã hội hoá có thể dùng quỹ BHYT mua lại các khoản nợ đã vay.
Thúy Hạnh