Sáng 22/12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ tiếp tục chìm trong giá rét do liên tục chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường.

Đêm qua 21/12, nhiều nơi tại Bắc bộ đã xuất hiện nền nhiệt dưới 10 độ C như TX.Sa Pa (Lào Cai) 3,8 độ C; TP.Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) 3,5 độ C; Bãi Cháy (Quảng Ninh) 8,9 độ C; Phủ Liễn (Hải Phòng) 9,5 độ C. Tại Hà Nội, nơi ghi nhận nhiệt độ xuống thấp nhất là Q.Hà Đông với 12 độ C.

Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) Vũ Anh Tuấn cho biết, không khí lạnh tăng cường khiến đợt rét đậm kéo dài ít nhất đến ngày 25/12. Đỉnh điểm rét rơi vào ngày cuối tuần (ngày 24/12 - đêm Noel).

Theo ông Tuấn, trong đợt không khí lạnh lần này, nhiệt độ tại đồng bằng Bắc bộ sẽ xuống thấp hơn đợt rét trước, khoảng 9 - 12 độ C. Ở Trung bộ sẽ xảy ra đợt mưa lớn, tâm mưa rơi vào Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Trước đợt rét đậm rét hại này, Bộ NN&PTNT đã phát đi văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ rủi ro về các đợt rét đậm, rét hại vụ Đông Xuân 2023 – 2024. 

Theo đó, Bộ này yêu cầu từng địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, cây trồng; thông tin kịp thời, thường xuyên về những đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, không chủ quan, chủ động phòng, chống cho cây trồng, vật nuôi.

Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn nông dân che chắn chuồng trại bảo đảm giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc, tiêm phòng cho đàn vật nuôi; di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, gia súc thả rông về nơi nuôi nhốt an toàn để tránh rét; không chăn thả trâu, bò tự do khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở NN &PTNN tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn đến hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm bằng các dụng cụ vật tư như bạt quây, bóng điện, than, củi… 

Quá trình sưởi ấm cho vật nuôi, các cơ quan chức năng cũng lưu ý người dân cần đảm bảo an toàn cháy nổ, tránh gây bỏng, ngạt khí cho vật nuôi. Sử dụng chất độn chuồng như trấu, mùn cưa… để giữ ấm chuồng.

Đồng thời các hộ chăn nuôi cũng cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, điện giải, Vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Chủ động nguồn thức ăn thô, xanh, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc. Thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để có kế hoạch ứng phó, kịp thời di dời đàn gia súc ra khỏi các vị trí có địa hình núi cao.

W-yen-bai-2.jpeg
Yên Bái đã xuất hiện băng giá 

“Không thả rông gia súc qua đêm, cần chủ động lùa về nơi nhốt an toàn. Không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi nền nhiệt xuống dưới 12 độ C, nhất là thời điểm rét đậm, rét hại có mưa phùn”, Sở NN&PTNN tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh. 

Tại Hà Nội, để hạn chế thiệt hại nông dân các huyện cũng tích cực triển khai các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

Thắp điện sưởi ấm cho đàn gà 10.000 con, anh Nguyễn Xuân Hiển (Thuỵ An, Ba Vì, Hà Nội) cho biết những ngày này phải theo sát diễn biến thời tiết để chăm sóc đàn gà thương phẩm chuẩn bị xuất ra dịp Tết.

Dù hệ thống chuồng trại được anh xây dựng quy mô bài bản, khép kín nhưng từ những hôm nhiệt độ giảm xuống dưới 15 độ C, anh Hiền đã phải thắp điện sưởi ấm cho trang trại gà. Ngoài ra anh cũng hạn chế thả gà ra sớm, chuẩn bị thức ăn sẵn nhiều hơn trong chuồng. 

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, để không bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi những ngày qua ngành nông nghiệp và các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan lơ là. 

Song song đó, nhân viên thú y hướng dẫn cho nông dân áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống các bệnh liên quan đến mùa rét, đặc biệt là cước chân ở trâu, bò gia súc, gia cầm; kịp thời phát hiện vật nuôi ốm để cách ly xử lý, cũng như thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn bị thiệt hại.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV