Về mặt cá nhân, ông từng đến Việt Nam du lịch nhiều lần và đã tham gia đoàn đàm phán của EU trong quá trình Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO 17 năm trước. Về mặt công việc, những lĩnh vực hợp tác hai bên, cả thuận và nghịch, kéo dài từ thúc đẩy thương mại, đầu tư, chuyển đổi năng lượng và “thẻ vàng” với ngành thủy sản, chắc chắn sẽ chiếm nhiều thời gian biểu của ông.
Ông nói với báo chí tại trụ sở EU tại Hà Nội rằng, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực quan trọng, trở thành trung tâm của thế giới hiện nay và EU đã đưa ra mục tiêu hợp tác chiến lược với khu vực này. Ở đó, Việt Nam có vị trí quan trọng về kinh tế, dân số, vị trí địa lý do đó Việt Nam là đối tác quan trọng của EU.
“Nhiệm vụ của tôi trong vài năm tới là ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng trở thành nước có thu nhập cao vào 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050”.
Đứng cạnh Việt Nam trong cuộc chuyển đổi năng lượng vô tiền khoáng hậu
Mục tiêu đạt phát thải ròng của Việt Nam, như trong cam kết Cop 26 dưới sáng kiến của EU và Mỹ, hẳn rất ấn tượng. Nhiều quan chức của EU đã bày tỏ điều này khi thăm Việt Nam. Tân Đại sứ cũng vậy qua cách ông nhấn mạnh nhiều lần nội dung này tại cuộc gặp với các phóng viên hôm qua, cũng như tại lễ trình quốc thư một ngày trước đó. Đại sứ khẳng định, EU, Anh cùng các quốc gia G7 khác cam kết hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) đã được triển khai theo sáng kiến của G7 và một số quốc gia khác nhằm chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo. JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam trong 3 đến 5 năm tới.
Hai trong bốn “nhiệm vụ” Việt Nam cam kết thực hiện theo khuôn khổ JETP là giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2 GW đến năm 2030 từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.
Về phần mình, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch điện 8 với nhiều mục tiêu chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang tái tạo. Trong số đó, có mục tiêu khuyến khích 50% hộ gia đình và công sở lắp điện mặt trời áp mái.
Nhưng mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050 là một cuộc chuyển đổi vô tiền khoáng hậu, đầy khó khăn và thách thức. Ở góc độ vốn, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng, để thực hiện lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững, Việt Nam cần có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa phần này khoảng 184 tỷ USD cần có từ khu vực tư nhân. Cơ chế nào để có ngần ấy vốn khi người dân Việt Nam còn nghèo và chưa sẵn sàng chi trả cao hơn cho năng lượng sạch? Đó là chưa tính hết các yếu tố khác.
Những băn khoăn đó và hơn nữa được đặt ra với Đại sứ. Ông nói, Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội để chuyển đổi năng lượng. Ví dụ, Vinfast đã quyết định chuyển hoàn toàn xe ô tô xăng sang xe điện và họ sẽ có lợi thế của người đi tiên phong với quyết định táo bạo này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cho thấy câu chuyện thành công khi quốc gia này đang đi đầu thế giới về năng lượng mặt trời, họ phát triển công nghệ pin mặt trời tiên tiến nhất thế giới.
“Chuyển đổi năng lượng mang lại chi phí rất lớn nhưng cũng tạo ra các cơ hội rất lớn. Việt Nam có lợi thế thiên nhiên như biển, gió, mặt trời, … những lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo”, ông nói và nhấn mạnh cơ chế JEPT với khoản vốn 15,5 tỉ USD là nguồn lực hỗ trợ chi phí cho Việt Nam chuyển đổi năng lượng.
Thúc đẩy giao thương và ngoại giao nhân dân
Nhiệm vụ hàng đầu mà ông nhắc đến là thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa EU và Việt Nam trên nền tảng Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU vốn đã đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên trong ba năm qua.
Thương mại song phương giữa EU và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và nhất là cuộc chiến Nga đối với Ukraine.
Xuất khẩu hàng hóa của EU sang Việt Nam tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,2 tỷ euro. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 37,9 tỷ euro. Việt Nam giữ vững vị trí dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nước ASEAN sang thị trường EU.
Tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 6 về tổng kim ngạch thương mại, với tốc độ tăng trưởng cao hơn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu xét đến tình hình kinh tế toàn cầu, đây là một kết quả ấn tượng.
Lộ trình thực hiện EVFTA đang hỗ trợ xu hướng này hơn nữa: Nhiều biện pháp cắt giảm thuế quan dần dần có hiệu lực; các yếu tố như Phụ lục về Xe cơ giới và Phụ tùng có hiệu lực vào năm 2023; và các tài liệu hướng dẫn đang được cung cấp để giúp các công ty chuyển hướng kinh doanh nhằm giúp họ tận dụng được lợi thế của EVFTA vì lợi ích của họ.
Đại sứ nói thêm, EU có cơ chế vốn Global Gateway (Cửa ngõ Toàn cầu) trị giá 300 tỷ euro để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cơ chế này giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển nhưng không gây vấn đề về nợ công. Ông hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để tiếp cận quỹ này.
Ông cũng giới thiệu về Quỹ đầu tư Horizon Europe dành cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo mà trước khi đến Việt Nam, ông từng phụ trách việc xây dựng chính sách tổng thể Quỹ. Ông nói EU khuyến khích các nhà khoa học, các viện nghiên cứu của Việt Nam đăng ký sáng kiến với quỹ này để được tài trợ và có cơ hội trao đổi kiến thức, công nghệ với các đối tác từ EU.
Tất nhiên, ông cũng nhắc đến việc thúc đẩy hợp tác về quốc phòng an ninh mà EU và Việt Nam có lợi ích chung trong việc đảm bảo hòa bình an ninh khu vực và trên thế giới, cụ thể là an ninh ở Biển Đông. Hai bên đã có thỏa thuận về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (FPA), Hiệp định khung về hợp tác an ninh quốc phòng (Hiệp định FPA). Ngoài ra còn có dự án tăng cường hợp tác an ninh tại châu Á của EU. Đó là những cơ chế rất cụ thể để hai bên có thể mở rộng quy mô hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh mạng, an ninh hàng hải…, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông nói: Việt Nam đã thay đổi rất nhiều chính sách, thể chế, pháp lý để mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đó là lý do Việt Nam năng động và lớn mạnh như ngày nay. Cá nhân tôi cho rằng người dân Việt Nam và EU có những khát vọng chung là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.”
Tư Giang