Chiều 11/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Thủ tướng Suga Yoshihide chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, bày tỏ cảm ơn chân thành về sự đón tiếp trọng thị và thân tình mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi còn giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ đã dành cho Thủ tướng Suga Yoshihide trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2020.
Ông Suga khẳng định Nhật Bản rất coi trọng và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới.
Trên tinh thần đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ không hoàn lại 200 triệu yên dây chuyền bảo quản lạnh vắc xin, cung cấp tàu nghiên cứu khoa học biển và sẽ khai trương Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng vào năm 2022.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ đón chính thức tại Hà Nội tháng 10/2020 |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm ngay sau khi nhậm chức, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản với sự tin cậy chính trị cao; khẳng định trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu, lâu dài.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng mời Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản thăm Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả, thiết thực của Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có khoản viện trợ của Nhật Bản cung cấp trang thiết bị bảo quản lạnh vắc xin, đề nghị Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ về vắc xin Covid-19 để phục vụ tiêm chủng cho nhân dân Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam để bảo đảm vaccine cần thiết và tiếp tục hỗ trợ thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, cầu nối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác và phối hợp chặt chẽ, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh hợp tác triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tăng cường kết nối hai nền kinh tế về đầu tư, thương mại, mở rộng hợp tác nông nghiệp, lao động, hợp tác địa phương và phối hợp chặt chẽ chuẩn bị tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Hai nước cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN và thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Mê Công-Nhật Bản. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Mời Tổng thống Pháp thăm Việt Nam
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, đánh giá cao những bước phát triển thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, nhất là chuyến thăm chính thức Pháp năm 2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh sự gắn bó giữa nhân dân hai nước và khẳng định chủ trương của Pháp phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam để đưa quan hệ giữa hai bên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn những lời chúc tốt đẹp của Tổng thống Pháp, bày tỏ hài lòng với những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Pháp trong thời gian qua, trong đó có việc triển khai các kết quả của chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch nước khẳng định, Pháp là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu và mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cùng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước, nhất trí các bộ, ngành hai nước cần tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy hợp tác, nhất là duy trì các cơ chế trao đổi và đẩy mạnh các dự án quan trọng, các định hướng ưu tiên trên các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh Covid-19, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư, năng lượng, giao thông vận tải, hàng không vũ trụ, môi trường, văn hóa, giáo dục-đào tạo cũng như hợp tác giữa các địa phương, hướng tới hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp ổn định cuộc sống và bảo đảm phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch nước cảm ơn Pháp đã tích cực ủng hộ phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), nhất là việc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chủ tịch nước mong Quốc hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và EU nói chung và với Pháp nói riêng đồng thời đề nghị hai bên cùng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư.
Tổng thống Emmanuel Macron đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế, nhất là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN vừa qua và đang tiếp tục thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc, trong ASEM, Pháp ngữ và thúc đẩy hợp tác giữa Pháp và ASEAN, nhất là sau khi Pháp trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN năm 2020.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt hơn nữa khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ứng phó với các vấn đề toàn cầu và các thách thức khu vực đang đặt ra, đặc biệt trong thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cũng như giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định, đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế, công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước nhắc lại lời mời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Việt Nam.
Thành Nam
Tàu hộ vệ Nhật Bản thăm thành phố Hải Phòng
Tàu hộ vệ Akebono thuộc Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản thăm xã giao thành phố Hải Phòng, từ 20 đến 22/4.