Nhật Bản phản đối việc một tàu Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải xung quanh quần đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền.

Ảnh: wordpress

Vụ việc xảy ra hôm thứ sáu gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, làm gia tăng những tranh cãi ngoại giao giữa các cường quốc hàng đầu Đông Á và đổ thêm dầu vào lửa căng thẳng trong khu vực, vốn đang quan ngại về sự quả quyết ngày càng lớn của Trung Quốc trong tranh chấp biên giới hàng hải.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ "xâm nhập cực kỳ nghiêm trọng" của tàu hải giám Trung Quốc vào vùng nước Senkaku. Bộ này nói rằng, tàu Trung Quốc đã vào lãnh hải bất chấp "nhiều lần cảnh báo" từ lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản.

Đây là vụ đầu tiên tàu nhà nước Trung Quốc tiến vào lãnh hải thuộc quần đảo kể từ tháng 8 năm ngoái.

Tại khu vực này, năm 2010 đã xảy ra vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản gây ra tranh cãi tồi tệ nhất giữa Bắc Kinh và Tokyo trong nhiều năm. Hai bên thậm chí đã ngừng mọi tiếp xúc chính thức và cả trao đổi kinh tế.

Sau đó, Nhật Bản đã thả tự do cho thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc - người mà Tokyo cho rằng đã cố ý đâm vào tàu tuần tra Nhật - và vị thuyền trưởng đã trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, vào ngày 15/3, Nhật lại quyết định khởi tố thuyền trưởng này vì tội đã cố tình đâm vào tàu tuần duyên và gây căng thẳng quan hệ song phương. Theo đó, thuyền trưởng bị cáo buộc đã cản trở người thi hành công vụ, gây hư hại tàu của nhà chức trách và vi phạm luật quản lý hoạt động ngư trường. Những lời buộc tội chính thức được đưa ra, sau khi một ủy ban điều tra độc lập của Nhật đảo ngược quyết định xóa tội của cơ quan công tố.

Vụ việc hôm thứ sáu xảy ra trong buổi tuần tra của hai tàu hải giám Trung Quốc. Ở một động thái bất thường, vụ việc này được cơ quan Quản lý đại dương Trung Quốc thông báo. Hai tàu đã đến vùng biển sát quần đảo vào khoảng 5h sáng (giờ địa phương), cơ quan này cho biết trên trang web của họ: "Cuộc tuần tra phản ánh quan điểm nhất quán của chính phủ Trung Quốc về chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư".

Cùng ngày, cơ quan Quản lý đại dương Trung Quốc đưa ra một tuyên bố thứ hai cho hay, tàu hải giám đã phát hiện ra một tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Họ nói, tàu Trung Quốc đã tự nhận diện mình và yêu cầu tàu Nhật làm tương tự và tuyên bố vị trí. “Tàu Nhật đã không trả lời câu hỏi của chúng tôi", phía Trung Quốc nhấn mạnh.

Tranh cãi xảy ra giữa lúc tình hình khu vực trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết với những dấu hiệu ngày càng quả quyết của Trung Quốc trong khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Một cuộc tranh luận gay gắt cũng xảy ra xung quanh việc Trung Quốc làm thế nào để cân bằng giữa khẳng định các quyền hàng hải và lợi ích với mục tiêu chính sách đối ngoại là hoà bình với các láng giềng.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối tháng trước đã gây nhiều chú ý khi tuyên bố "không một nước nào, kể cả Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông". Nhiều chuyên gia an ninh coi bình luận này là một dấu hiệu rằng, Bắc Kinh đang cố gắng hướng tới một định nghĩa tuyên bố chủ quyền hàng hải một cách bao quát có thể dễ hiểu và dễ chấp nhận hơn với láng giềng.

Tuy nhiên, bình luận ấy lại gây tranh cãi ở trong nước Trung Quốc. "Không có ban ngành nào hay một người nào có thể đưa ra quyết định về vấn đề này", Trác Đạo Thông, một chuyên gia về an ninh năng lượng và chủ quyền hàng hải tại Đại học Bắc Kinh nói.

Thiếu tướng Lạc Nguyên, một học giả quân sự Trung Quốc nổi tiếng với các tuyên bố cứng rắn, trong tháng này đề xuất rằng, Trung Quốc cần thiết lập một lực lượng phòng vệ bờ biển toàn diện có thể đảm nhận trách nhiệm về chính sách đại dương.

Thái độ của Bắc Kinh với vụ việc vừa xảy ra ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku khác hẳn khi các nước láng giềng cáo buộc tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải hoặc hành xử gây hấn. Trong hầu hết trường hợp, các cơ quan thực thi pháp luật liên quan thường giữ yên lặng và sau đó Bắc Kinh bình luận thông qua Bộ Ngoại giao.

Thái An (theo Financial Times)