EU đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam
Phiên họp lần 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU triển khai Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU vừa diễn ra hôm 27/10 tại Trụ sở Cơ quan Đối ngoại (EEAS) của Liên minh châu Âu (EU).
Tại Phiên họp, hai bên đã thông báo cho nhau tình hình kinh tế - xã hội, chính sách đối ngoại của mỗi bên; rà soát, đánh giá toàn diện tình hình hợp tác Việt Nam – EU, nhất là trong các khuôn khổ hợp tác như Đối thoại Quốc phòng – An ninh, Ủy ban Thương mại triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các tiểu ban chuyên ngành trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU.
Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam – EU thời gian gần đây phát triển tích cực, thể hiện qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao được tăng cường; hợp tác thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng – an ninh, giáo dục – đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu… được thúc đẩy mạnh mẽ; các cơ chế hợp tác/đối thoại phát huy hiệu quả tích cực.
Phía EU đánh giá cao các thành tựu rất ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Để thúc đẩy quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; phối hợp triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác/đối thoại hiện có; tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là thương mại – đầu tư, hợp tác phát triền , kinh tế xanh, số và tuần hoàn, phát triển nghề cá hiện đại, bền vững và chuyển đổi mạnh sang nuôi trồng, chuyển đổi năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng…
Việt Nam ưu tiên đẩy mạnh phát triển xanh và bền vững, hợp tác phát triển tiểu vùng
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị EU thúc đẩy Nghị viện 10 trong số 27 nước thành viên của liên minh sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) nhằm tạo cơ hội mới cho thương mại – đầu tư song phương phát triển; tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế biển, trong đó có việc sớm gõ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam; tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhất là hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực … trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam với Nhóm đối tác quốc tế mà EU là điều phối viên.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam ủng hộ tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – EU, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hợp tác thương mại – đầu tư, ứng phó với các thách thức toàn cầu về khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, đóng góp cho phát triển xanh và bền vững, hợp tác phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng sông Mekong.
Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vai trò của Liên hợp quốc
Nhất trí với những đề xuất của phía Việt Nam, phía EU thông báo những ưu tiên trong Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Cửa ngõ toàn cầu của khối và mong muốn Việt Nam tham gia vào các dự án hợp tác trong khuôn khổ các chiến lược này; khẳng định Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của EU tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, là hình mẫu cho các mối quan hệ hợp tác của EU với các đối tác khác trên thế giới.
Đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trụ cột quan hệ gồm chính trị - ngoại giao, thương mại – đầu tư, quốc phòng – an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mới như thuế, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý rác thải nhựa toàn cầu, lao động và phòng chống di cư bất hợp pháp…
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và vai trò của Liên hợp quốc; khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).