Tên lửa Patriot của Mỹ có khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa như tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa hành trình...
Đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel gọi đó là quyết định lịch sử.
Thông báo trên được đưa ra khi Nhật tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng.
Sau khi thông báo được phát đi, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi nói, việc làm trên có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố hơn nữa liên minh Mỹ - Nhật. Nó sẽ đóng góp không chỉ cho an ninh Nhật Bản mà còn cho hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Một quan chức Nhật Bản đề nghị giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề nói, các tên lửa mà Nhật chuyển cho Mỹ sẽ được Washington bổ sung vào kho vũ khí của quân đội nước này nhằm đảm bảo sự an toàn và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo quy định trước đây, Nhật chỉ được phép xuất khẩu linh kiện vũ khí và bị cấm giao sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các hướng dẫn sửa đổi hiện cho phép Tokyo xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh sang các quốc gia có trụ sở của các chủ sở hữu bằng sáng chế. Bất kỳ việc tái xuất khẩu sang nước thứ 3 nào cũng đều phải được Tokyo cho phép.
Nhật Bản sản xuất tên lửa Patriot theo giấy phép của các công ty Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ. Tờ Financial Times ngày 21/12 đưa tin, Nhật đang cân nhắc xuất khẩu quả đạn pháo 155mm sang Anh. Loại đạn này được Nhật sản xuất theo giấy phép của công ty BAE System.