Nhật ra mắt tàu hải quân lớn nhất kể từ sau Thế chiến, Philippines đón nhận tàu tuần duyên nâng cấp lại từ Mỹ. Hai quốc gia châu Á đang mạnh tay trang bị đối phó với người láng giềng lớn Trung Quốc.
Tàu mang tên "Izumo" của Nhật. Ảnh: Reuters |
Hạm đội tàu chiến của cả Nhật Bản và Philippines đều đang được tăng cường trang bị trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ trên biển. Tại thành phố cảng Yokohama hôm qua - cũng là dịp kỷ niệm 68 năm vụ thả bom nguyên tử Hiroshima, con tàu chiến khổng lồ có sân bay dành cho trực thăng dài 248m trình làng. Nó được xem là trọng tâm sức mạnh hải quân Nhật.
Tàu mới của Nhật có thể chứa 9 máy bay trực thăng và sẽ đóng vai trò lớn trong sứ mệnh tìm kiếm cứu hộ, đối phó
với thảm họa cũng như phòng thủ các lộ trình hàng hải và lãnh hải.
Khá gây tranh cãi với Trung Quốc, con tàu mang tên "Izumo", cùng tên với tàu tuần dương đã dẫn đầu chiến dịch hải quân trong cuộc chiến Thượng Hải thời Thế chiến II. Ở Bắc Kinh hôm qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng cáo buộc Tokyo "không ngừng mở rộng quân sự".
"Chúng tôi thể hiện sự quan ngại về việc Nhật Bản không ngừng mở rộng trang thiết bị quân sự. Xu thế này khiến cho các láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế phải đề cao thận trọng", Bộ này tuyên bố. "Nhật Bản nên học hỏi từ lịch sử, tuân thủ chính sách phòng vệ và tuân thủ cam kết đi theo con đường phát triển hòa bình".
Tàu tuần duyên BRP Ramon Alcaraz của Philippines. Ảnh: wordpress |
Cùng ngày, ở Philippines đã diễn ra buổi lễ đón nhận tàu tuần duyên thứ hai của Mỹ trang bị cho hải quân để đối phó với yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc. Tổng thống Benigno Aquino đã có mặt trong buổi lễ đón nhận tàu tuần duyên 3.250 tấn được đổi tên thành tàu hải quân BRP Ramon Alcaraz, neo đậu tại cầu cảng vịnh Subic, phía tây bắc Manila.
Một phần căn cứ hải quân cũ của Mỹ này sẽ sớm chuyển thành trung tâm quân sự Philippines sau khi chính phủ quốc đảo phê chuẩn kế hoạch chuyển dịch tài sản hải quân tới gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
"Nó sẽ góp phần tăng cường các cuộc tuần tra của chúng tôi tại vùng đặc quyền kinh tế Philippines, nâng cao khả năng đối phó với bất kỳ yếu tố đe dọa nào, thực hiện sứ mệnh tìm kiếm cứu hộ cũng như để mắt tới các tài sản hàng hải", ông Aquino nói.
Sự xuất hiện của tàu mua từ Mỹ - theo chương trình hỗ trợ quân sự song phương - đã thể hiện quyết tâm nâng cấp quân sự và thoát khỏi tiếng quân đội yếu thế nhất châu Á của Philippines.
Nỗ lực nâng cấp hải quân của cả Nhật và Philippines nằm trong bối cảnh một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra âm thầm ở các nước láng giềng Trung Quốc. Nó được châm ngòi bởi chính sự quả quyết và gây hấn của Bắc Kinh trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải rộng lớn cũng như phát triển các lực lượng hàng hải mới.
Thái An (theo Bưu điện Hoa Nam)