Kênh Channel News Asia dẫn nguồn tin thân cận vấn đề cho biết, Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản (JTSB) sẽ đảm nhận việc điều tra với sự tham gia của các cơ quan chức năng Pháp và Anh, hai quốc gia là nơi chế tạo chiếc Airbus A350 gặp nạn và nước sản xuất động cơ Rolls-Royce cho máy bay. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, hiện còn quá sớm để xác định được nguyên nhân và hầu hết các vụ tai nạn đều do nhiều yếu tố gây ra.
Dự kiến, các điều tra viên sẽ xem xét những hướng dẫn được đưa ra bởi bộ điều khiển của chiếc máy bay A350 và phi cơ cỡ nhỏ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, cũng như kiểm tra các chi tiết về hệ thống trên máy bay và sân bay. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên nhóm điều tra cần làm là tìm lại hộp đen lưu trữ dữ liệu bay và băng ghi âm giọng nói trong buồng lái.
Một số chuyên gia về hàng không nhận định rằng, có thể coi “vị trí xảy ra tai nạn là bằng chứng vật lý trong khi các dữ liệu về radar, lời kể nhân chứng hay cảnh quay camera có sẵn… sẽ giúp nhiệm vụ điều tra dễ dàng hơn”.
“Một câu hỏi rõ ràng là liệu phi cơ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản có trên đường băng hay không, và nếu có thì tại sao”, ông Paul Hayes, Giám đốc an toàn thuộc công ty tư vấn hàng không Ascend by Cirium tại Anh nhận định.
Theo đài NHK, máy bay Airbus A350 của hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines tối 2/1 (giờ Tokyo) đã bất ngờ bốc cháy trong lúc đang hạ cánh trên đường băng của sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo. Rất may, toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn khỏi máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, 5/6 người có mặt trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã thiệt mạng.