Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản vừa công bố kết quả điều tra về tình hình thực hiện giáo dục tiếng Anh của năm 2015 trên toàn quốc.
Theo đó tỉnh Gunma đứng đầu về tỉ lệ học sinh năm cuối bậc THPT đạt được trình độ mà chính phủ đề ra (49.4%) trong khi thứ hạng này ở bậc THCS thuộc về tỉnh Chiba (52.1%).
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản công bố dữ liệu kết quả điều tra về năng lực tiếng Anh của học sinh phân chia theo các tỉnh.
Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ cho biết “mục đích là để so sánh với các tỉnh khác giúp cho việc cải thiện tình hình”.
Hình ảnh minh họa |
Mục tiêu mà Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ đặt ra là đến năm 2017 có 50% số học sinh tốt nghiệp THPT phải có trình độ tương đương cấp 2 trở lên, học sinh tốt nghiệp THCS có trình độ từ cấp 3 trở lên. Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ trung bình số học sinh THPT đạt mục tiêu trên toàn quốc là 34% (năm 2014 là 31.9%), học sinh THCS là 36.6% (năm 2014 là 34.6%).
Mặt khác chính phủ cũng đặt ra mục tiêu trước năm 2017 sẽ có 75% giáo viên THPT và 50% giáo viên THCS dạy tiếng Anh phải đạt cấp 1 hoặc có chứng chỉ tương đương. Tuy nhiên trong cuộc điều tra lần này chỉ có 57.3% giáo viên THPT (năm 2014 là 55.4%) và 30.2% giáo viên THCS (năm 2014 là 28.8%) có trình độ đạt yêu cầu đề ra.
Trong dữ liệu lần đầu tiên được công bố thì các tỉnh có tỉ lệ học sinh trung học phổ thông đạt được mục tiêu xếp theo thứ tự là Gunma, Chiba (45.5%), Fukui (42.5%). Ở trung học cơ sở thì tỉnh Chiba đứng đầu và tiếp theo là Akita (48.6%), Tokyo 47.9%.
Điểm chung của các trường xếp thứ hạng cao là tiến hành các giờ học bằng tiếng Anh, sử dụng các mục tiêu thể hiện rõ các bước phát triển của năng lực mà học sinh cần có.
Ở tỉnh Chiba, nơi có thành tích tốt ở cả bậc THCS và THPT, “Kỳ thi kiểm tra tiếng Anh IBA” có thời gian kiểm tra ngắn hơn kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh hiện hành đã được thực hiện ở tất cả các trường từ năm 2015.
Ủy ban giáo dục tỉnh Chiba cho biết “Học sinh thông qua IBA có thể nắm chắc trình độ tiếng Anh của bản thân từ đó mà có động cơ học tập hướng đến mục tiêu cao hơn”.
Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đạt được mục tiêu của chính phủ nói trên không phải chỉ bao gồm các học sinh tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh mà còn bao gồm cả số học sinh được giáo viên tự phán đoán tương đương với các học sinh đạt kết quả trong kỳ thi này dựa trên tình hình học tập các kì thi ở trường.
Về điều này, Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ giải thích “Cũng có ý kiến phê bình về tính khách quan về kết quả điều tra nhưng chúng tôi muốn ưu tiên hiệu quả của việc công bố kết quả đó”.
Nguyễn Quốc Vương (Theo báo Sankei)
XEM THÊM: