Đầu giờ chiều, trong một ngõ nhỏ ở Cầu Giấy, Hà Nội, có một thanh niên dáng người cao gầy gõ cửa từng căn nhà. Chàng trai ghi chép vào một cuốn sổ, có tên "Nhật ký bán rau".
Chàng thanh niên ấy tên là Nguyễn Thanh Tùng (năm thứ hai, ngành Vật lý Kỹ thuật, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội). Quê Tùng ở một xã thuần nông của tỉnh Vĩnh Phúc. Bố mẹ Tùng là nông dân, canh tác vài sào lúa với rau.
Lên đại học, mỗi tháng, Tùng về quê một lần, mang theo gạo, rau của nhà trồng được xuống Hà Nội. Thỉnh thoảng, cha mẹ cũng gửi rau theo xe khách để “tiếp tế” cho cậu con trai.
Tiếp thị rau tại nhà
Vì trồng tới những 2 sào rau nên dù Tùng và gia đình, họ hàng có dùng “hết công suất” cũng không thể tiêu thụ hết. Rau đến vụ thu hoạch, bố mẹ Tùng phải bán cho lái buôn với giá thành rất rẻ hoặc đem cho gia súc, gia cầm ăn.
Gắn bó với đồng đất quê hương từ nhỏ, Tùng hiểu, để có được số rau thành phẩm, cha mẹ cậu đã phải vất vả đến nhường nào mà thu nhập thì lại chẳng đáng là bao, bởi giá bán rau quá rẻ.
Nguyễn Thanh Tùng - chàng sinh viên đi bán rau. |
Trong khi đó, tại Hà Nội, người dân vừa phải trả một cái giá cao để mua rau, vừa nơm nớp ôm nỗi lo mua phải rau còn tồn dư chất bảo vệ thực vật. Tùng chợt nảy ra câu hỏi: Tại sao không thử bán rau sạch của nhà mình trồng được cho những hộ dân ở Hà Nội?
Sau một tuần trăn trở và suy nghĩ, một buổi chiều nọ, Tùng quyết định đi quanh con ngõ nhỏ ở đường Dương Quảng Hàm mà cậu đang thuê trọ để chào bán rau cho các hộ dân xung quanh.
Nói về hình thức tiếp thị này, Tùng tâm sự: “Mình xác định, thời gian đầu sẽ chỉ bán rau của nhà trồng được để đảm bảo nguồn gốc an toàn nên sẽ là mùa nào thức nấy chứ không đa dạng chủng loại.
Vì thế, bán rau cho những hộ dân xung quanh khu trọ của mình là tiện lợi nhất. Buổi chiều, mình sẽ đến từng nhà, giới thiệu về rau sạch, ai có nhu cầu đặt mua rau thì mình sẽ ghi chép lại. Giá cả thì mình cũng đã khảo sát trước ở các chợ để đưa ra mức giá ngang bằng”.
Sau mỗi buổi chiều, Tùng sẽ chốt lại đơn hàng và gọi điện về cho cha mẹ ở quê. Gần nhà Tùng có một chuyến xe khách chạy vào sáng sớm, cha mẹ sẽ gửi rau theo xe khách.
Tầm 7h sáng, xe tới bến Mỹ Đình, Tùng sẽ có mặt ở đó để nhận rau và chuyển tới nhà cho từng vị khách. Thời điểm hiện tại, nhà Tùng đang trồng dưa chuột, bắp cải, su hào, giá bán là 4.000 đồng/củ su hào, 15.000 đồng/kg dưa chuột và 10.000 đồng/kg bắp cải…
Kinh doanh kiểu “thủ công”, cam kết bằng lương tâm
Những hộ dân xung quanh lúc đầu thấy Tùng tới tiếp thị rau thì cũng ngạc nhiên và nghi ngờ. Họ hỏi xem quê cậu ở đâu, có đúng là sinh viên không, tại sao lại đi bán rau…
Tùng trả lời đầy đủ các thông tin và nhấn mạnh vào việc rau nhà cậu không trồng theo tiêu chuẩn VietGap, không có giấy chứng nhận nhưng cậu có lương tâm và khẳng định, rau cậu cung cấp đảm bảo không tồn dư thuốc trừ sâu, không dùng chất bảo quản, có giá chỉ ngang bằng tại chợ, được chuyển tới tận nhà.
“Rất mừng là sau khi tiếp thị, đa số các hộ dân đều tin tưởng và đặt hàng. Lúc đầu, họ muốn dùng thử xem chất lượng ra sao nên chỉ đặt số lượng ít. Có vị khách mua nhiều thì mình còn khuyến mãi thêm cái bắp cải hoặc củ su hào”, Tùng kể .
Mặc dù mới chỉ qua vài đợt hàng nhưng Tùng đã nhận được những phản hồi rất tốt của các hộ dân. Đa số đều nói rằng, rau Tùng bán có bề ngoài không “bắt mắt” như rau ngoài chợ nhưng có lẽ, chính điều đó lại khiến họ cảm thấy yên tâm hơn.
Có nhiều vị khách đã đặt các đơn hàng tiếp theo, với số lượng nhiều hơn và còn giới thiệu cho những người dùng khác.
“Kinh doanh theo kiểu “thủ công” thế này mình cũng chỉ lãi được chút ít. Nhưng mình vẫn cảm thấy rất vui vì vừa giúp đỡ được bố mẹ tìm nguồn ra cho rau với lợi nhuận tốt hơn, bản thân mình thì có thêm thu nhập để trang trải học hành, lại vừa làm được một việc tốt giúp người dân quanh khu trọ có rau sạch ăn hằng ngày”, Tùng nói.
Mong muốn của Tùng là liên kết những sinh viên đang học tại Hà Nội mà ở quê cũng trồng rau, tạo thành một nhóm sinh viên cam kết bán rau sạch của nhà trồng được, vừa mở rộng địa bàn kinh doanh, vừa đa dạng chủng loại rau để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
(Theo SVVN)