Khẩn cấp chưa từng có

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra một câu tweet thể hiện sự thất vọng đối với Trung Quốc lần thứ 2 nuốt lời sau hai lần “đình chiến” thương mại. Bắc Kinh chưa mua các hàng nông sản như đã hứa (tại G20 cuối tháng 6) cho dù Mỹ đã tạm ngừng áp thuế cao với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc và nới lỏng hạn chế đối với Huawei.

Theo Reuters, đến nay vẫn chưa có thương vụ nông sản lớn nào diễn ra. Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho hay Mỹ trông đợi Trung Quốc xúc tiến mua nông sản của nước này ngay khi đàm phán thương mại giữa hai nước được nối lại.

Sự chậm chạp của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai bên vẫn đang trao đổi về việc thực hiện các điểm đồng thuận mà lãnh đạo hai quốc gia đã đạt được tại Osaka, song trên thực tế rất nhiều khúc mắc còn tồn tại, từ vấn đề nhân quyền đến các tranh chấp trên Biển Đông, cũng như sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan.

{keywords}
Nhật và Hàn Quốc trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó, Mỹ vừa gặp một sự bất lợi không hề nhỏ khi hai đồng minh quan trọng bậc nhất của mình là Nhật và Hàn Quốc có nguy cơ rơi vào một cuộc đối mang tính hủy diệt lẫn nhau về kinh tế, mà theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là Hàn Quốc đang ở trong “tình trạng khẩn cấp chưa từng có”. 

Một cuộc chiến thương mại giữa Nhật và Hàn Quốc sắp nổ ra. Hàn đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng kéo dài và cuộc chiến này được cho là có thể tác động đến thị trường công nghệ toàn cầu, cũng như tạo ra lợi thế đáng kể cho Trung Quốc, nước vốn đang chịu áp lực lớn từ Mỹ đối với tham vọng vươn lên vị thế số 1 về công nghệ.

Theo CNBC, căng thẳng Nhật - Hàn nổ ra sau hôm 1/7 vừa qua Thủ tướng Nhật Bản Shinzo cho biết sẽ áp dụng một hạn chế xuất khẩu sang Seul đối với 3 loại vật liệu công nghệ cao tối quan trọng, sử dụng trong sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình, gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu). Nhật có thể có thể mở rộng các mặt hàng hạn chế xuất khẩu đến Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc đang tính tới việc hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản để trả đũa. Làn sóng tẩy chay hàng Nhật cũng đang gia tăng tại Hàn Quốc.

Tác động của quyết định của Nhật là rất lớn bởi các hãng công nghệ Hàn Quốc như Sumsung, LG Display... phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các loại vật liệu này của Nhật Bản (hơn 90%). Đây là những vật liệu quan trọng nhất để tạo ra màn hình OLED trên cả TV, smartphone và bán dẫn.

Một cuộc chiến thương mại Nhật - Hàn có thể làm đình trệ chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tới các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn như Apple, Huawei,... Các công ty Nhật Bản tất nhiên cũng chịu ảnh hưởng khi Seoul là thị trường chủ chốt. Hiện các hãng công nghệ Hàn Quốc nắm giữ tới 90-95% thị phần màn hình OLED toàn cầu.

Lệnh hạn chế được đưa ra sau khi Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách “quốc gia trắng”, với cáo buộc Hàn Quốc có hệ thống kiểm soát xuất khẩu không đáng tin cậy. Động thái của Nhật diễn ra trong bối cảnh hai nước lại tranh cãi về vấn đề bồi thường nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản kiểm soát Bán đảo Triều Tiên trước Thế chiến 2. Tòa án Hàn Quốc phán quyết các công ty Nhật bồi thường thêm, trong khi Nhật cho rằng vấn đề này đã được giải quyết xong. 

{keywords}
Các cuộc chiến công nghệ bắt đầu manh nha bùng nổ.

Bài toán khó cho Mỹ, Trung Quốc ngư ông đắc lợi

Thông tin Nhật - Hàn đối đầu khiến Washington khó xử. Trong một động thái mới nhất, Mỹ tuyên bố sẽ làm mọi cách để giảm căng thẳng giữa hai đồng minh ở Đông Bắc Á này bởi Nhật Bản và Hàn Quốc “không chỉ là bạn, mà còn là đồng minh”.

Tuy nhiên, Tokyo vẫn chưa phản hồi gì về để nghị cuộc gặp 3 bên này.

Theo đánh giá của các chuyên gia trên SMCP, nếu căng thẳng Hàn - Nhật leo thang và kéo dài thì đây sẽ là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên và chiếm lĩnh thị phần. Trung Quốc lợi cả về kinh tế và ngoại giao. Đây là một điều mà Mỹ khó chấp nhận.

Ngay ở thời điểm hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Nhật và Mỹ đang tìm kiếm các đối tác mới. Còn Hàn Quốc có thể tìm đến Nga khi mà chính quyền tổng thống Putin ngỏ ý giúp đỡ Hàn bằng việc cung cấp các loại vật liệu để sản xuất chip bán dẫn.

Nhà sản xuất điện thoại số 1 của Mỹ Apple cũng vừa tiết lộ về việc đưa thêm một số đối tác vào danh sách cung ứng màn hình OLED, trong số đó có công ty BOE Technology của Trung Quốc. Đây được xem như một động thái nhằm ứng phó với tác động tiêu cực căng thẳng Nhật - Hàn.

Phía Mỹ muốn giải quyết xung đột giữa hai bên nhưng cũng tránh đánh giá về hành động của Nhật Bản. Washington chỉ khẳng định một điều rằng, cả Nhật Bản và Hàn Quốc là “cực kỳ quan trọng” đối với khu vực và trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. 

{keywords}
Công nghệ đang thay đổi thế giới và có thể cũng sẽ góp phần thay đổi trật tự thế giới.

Phía Mỹ muốn có một cuộc gặp 3 bên diễn ra ở Thái Lan khi hội nghị ASEAN kết thúc vào cuối tháng này. Đây là điều mà Hàn Quốc muốn nhưng về phía Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có vẻ không mặn mà.

Tình huống bất ngờ tại khu vực Đông Bắc Á đang là một vấn đề khiến ông Donald Trump phải tính toán và tìm cách giải quyết trong bối cảnh xung đột thương mại với Trung Quốc vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang trở lại, nhất là nếu Bắc Kinh lấy lại được lợi thế và cuộc bầu cử Mỹ 2020 đang đến gần.

Cuộc chiến thương mại Nhật - Hàn nếu xảy ra được xem là sẽ mang tới rất nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là ngành bán dẫn còn non trẻ của một đất nước hơn tỷ dân nhưng chính quyền trung ương có tham vọng thống trị thế giới về công nghệ trong vòng gần 1 thập kỷ tới.

Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp vi mạch với cốt lõi là công nghiệp bán dẫn, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là một phần trong kế hoạch Made in China 2025 với sản xuất ra 70% chất bán dẫn được sử dụng trong nước, so với mức 10% như hiện nay.

Tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị đè xuống sau cú tấn công thương mại và công nghệ của ông Trump trong vòng một năm qua. Nhưng một khi Nhật và Hàn xung đột về công nghệ, các nhà sản xuất Trung Quốc lại có thể có lợi thế cạnh tranh,.Trung Quốc sẽ tìm cách lấp các khoảng trống do 2 bên tạo ra và trở thành người hưởng lợi.

Nếu Nhật - Hàn căng thẳng và nước Mỹ không áp đảo được những bước tiến công nghệ của Bắc Kinh thì đây thực sự là cơ hội tốt cho Trung Quốc trên con đường ngoi lên vị trí thống trị thế giới.

Công nghệ quyết định tương lai. Các nước đều đang nỗ lực vươn lên, giành lợi thế về mặt công nghệ. Các cuộc chiến công nghệ có thể sẽ quyết liệt hơn các cuộc chiến thương mại và nó sẽ góp phần định hình trật tự thế giới.

V. Minh