Trồng cam, buôn đồng nát, bán thịt lợn..., những ngôi làng này một thời cơm không đủ ăn nhưng nay ai ai cũng ở biệt thự, đi xe hơi; kiếm và tiêu tiền chỉ tính bằng... tỷ.
Làng trồng cam mất mùa chỉ thu được... dăm tỷ
Nông dân ở thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình nổi tiếng là những người giàu có, mỗi năm thu nhập có thể lên tới chục tỷ chỉ nhờ... trồng cam.
Ở đây ai cũng sở hữu được từ vài chục đến vài trăm héc-ta cam, trong khi mỗi héc-ta có thể thu về được 1 tỷ đồng mỗi vụ. Vì vậy vào những năm mất mùa, người ta "than thở" rằng cũng chỉ thu được về có cỡ... dăm tỷ.
Mỗi héc-ta cam có thể thu về được 1 tỷ đồng mỗi vụ cho người dân thị trấn Cao Phong |
Theo thống kê, năm 2013, thị trấn có khoảng 64 hộ dân có thu nhập trên 1 tỷ, 9 hộ thu nhập từ 3 - 8 tỷ. Đến nay có khoảng 100 hộ có ô tô riêng, có hộ còn có tới 2 - 3 cái mà chủ yếu toàn Camry, Fortuner, Lexus. Ô tô có cái chỉ để đi chơi còn có cái chỉ để đi từ nhà đến thăm vườn cam hàng ngày.
Chưa kể iPhone 6 với họ không chỉ là chiếc điện thoại phổ biến mà còn là công cụ giúp họ trong việc điều tiết nước tưới và thu hoạch cam.
Theo người dân địa phương, tỷ phú ở thị trấn Cao Phong nhiều đếm không xuể, "ông thì nhiều tiền, có ông thì nhiều đất, lại có người biết là đại gia rồi nhưng không bao giờ biểu hiện ra ngoài nên không đoán được là tài sản cỡ bao nhiêu tỷ".
Làng buôn gỗ giả cổ nhan nhản giám đốc
Làng Đồng Kỵ hay làng Cời ở Từ Sơn, Bắc Ninh trước vốn nổi tiếng với nghề mộc nay đã thành làng đại gia nhờ chuyên bán đồ gỗ... giả cổ như thật. Ngôi làng mà người dân phải chạy ăn từng bữa ngày nào giờ đây đã là thành một làng tỷ phú bậc nhất của Đồng bằng Bắc Bộ.
Nhà cao tầng san sát bên đường làng Đồng Kỵ |
Trong làng nhà cao tầng cao san sát, ô tô tải lớn, nhỏ chạy dọc chạy ngang khắp làng để chở hàng đến và mang hàng đi.
Các hộ dân cũng đua nhau mở công ty riêng chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nhiều đến nỗi cứ khoảng 10 hộ lại có một hộ có người làm giám đốc nên người ta còn hay gọi làng Đồng Kỵ là "làng giám đốc".
Hầu hết những gia đình mở công ty, hay hợp tác làm đồ gỗ đều có từ vài trăm triệu đến vài tỷ trong nhà. Lượng hộ buôn bán lớn có chục hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ cũng rơi vào khoảng 500 hộ.
Làng buôn đồng nát ở nhà lầu, đi xe hơi
Không ai ở Nghệ An và những tỉnh lân cận là không biết tới xã Diễn Tháp, xã có người dân chuyên đi bán đồng nát nhưng ở biệt thự và đi xe hơi.
Xuất hiện với hình ảnh đi một chiếc xe đạp cà tàng với ít đồ nhựa và nồi niêu chất lôm côm đằng sau, ít ai biết được dân xã Diễn Tháp lại là những người chuyên... giàu ngầm.
Dù buôn đồng nát nhưng dân Diễn Tháp lại là những người chuyên... giàu ngầm. |
Chưa kể biết nằm bắt thời cơ, những năm 1997 họ đã biết sang Lào để mua phế liệu với giá vô cùng rẻ để sau đó tái chế và bán lại với giá cao hơn.
Làm ăn được, từ những năm 2000 họ bắt đầu đua nhau xây nhà tầng, biệt thự khiến và chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhà cao cửa rộng san nằm sát nhau kéo dọc theo suốt đường vào trung tâm xã.
Theo Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, hiện toàn địa phương có tới hàng trăm hộ giàu sở hữu nhà lầu xe hơi, trong đó nhiều hộ xây biệt thự cao cấp và mua cả ôtô hạng sang giá hàng tỷ đồng. Nhiều người còn mở đại lý riêng, thu nhập cũng tới cỡ hàng trăm triệu mỗi tháng và còn có hẳn vài ba cái xe tải để chuyên chở phế liệu.
Làng tỷ phú biệt thự xây xong không "thèm" ở
Làng Miêng Thượng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội trước đây là một làng quê nghèo nàn ăn không đủ no, giờ đã “đổi đời” thành một ngôi làng tỷ phú nhờ... buôn thịt lợn.
Nói dân làng Miêng Thượng là tỷ phú có lẽ không ngoa bởi ngoài việc xây được biệt thự ở làng, họ còn có cơ ngơi riêng và nhà cao cửa rộng ở trên phố.
Những tòa biệt thự xây xong hầu như không có người ở tại làng Miêng Thượng |
Những tòa biệt thự hoành tráng nằm liền kề nhau của những ông chủ bà chủ kinh doanh thịt lợn bé nhất cũng ngót nghét 1 tỷ, nhiều nhất có khi lên đến gần chục tỷ.
Người làng Miêng nay cùng không còn thiết tha với đồng ruộng mà thay vào đó là những buổi chợ kiếm tiền triệu mỗi ngày. Vì vậy mà họ cứ kéo hết con cháu lên phố sinh sống, những ngôi biệt thự to vật vã hầu như chẳng có ai ở.
Lớp trẻ làng Miêng đang học hành dang dở cũng bỏ theo bố mẹ đi buôn thịt lợn, thậm chí học xong cả đại học nhưng không xin được việc cũng lại đi bán thịt lợn nốt.
(Theo VTC News)