Áp lực trên thị trường chứng khoán nhiều tuần gần đây vẫn rất lớn, giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Tuy nhiên, đó là diễn biến trên thị trường thứ cấp. Cuộc chạy đua của các doanh nghiệp vẫn diễn ra mạnh mẽ. Ông chủ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam thể hiện khát vọng, xây dựng những đế chế hàng đầu tầm cỡ khu vực và tạo ra những sản phẩm công nghệ hàng đầu.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa quyết 24/5 tới là ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%, tương đương 1.500 đồng/cp, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2018 cho cổ đông.
Đây là một tỷ lệ trả cổ tức không cao nhưng cũng không thấp, nhất là đối với một doanh nghiệp có tham vọng mở rộng như Thế Giới Di Động. MWG tiếp tục duy trì trả cổ tức cho cổ đông để tạo sự hấp dẫn cho cổ phiếu trong khi vẫn không ngừng huy động vốn cho hàng loạt kế hoạch mở rộng.
Trong năm 2018 vừa qua, Thế Giới Di Động đã mở thêm rất nhiều cửa hàng và cả các lĩnh vực khác, ngoài lĩnh vực chính là bán lẻ diện thoại di động. Công ty đặt ra kế hoạch kể từ năm 2018 dốc toàn lực cho Bách Hoá Xanh, chuỗi bán lẻ thực phẩm. Đây cũng được kỳ vọng là mũi nhọn tăng trưởng cho MWG thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Tài. |
Bên cạnh đó, MWG cũng bán những loại hàng hóa chưa từng bán như đồng hồ, tủ lạnh, bát đĩa, rổ rá, dược phẩm,... tiếp cận những nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận được hoặc chưa từng quan tâm đến để đảm bảo mức tăng trưởng 25% đề ra cho năm 2019 khi mảng cốt lõi là điện thoại dự báo chững lại.
Cuộc chiến trên thị trường bán lẻ, trong đó có bán lẻ điện thoại, điện máy và thực phẩm,... đang ngày càng khốc liệt.
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng thậm chí thâu tóm chuỗi cửa hàng lâu đời Viễn Thông A để phục vụ cho mục tiêu phát triển bán lẻ điện thoại. Điểm khác của Vinsmart là trực tiếp mua công nghệ và sản xuất ra điện thoại để cạnh tranh với hàng loạt ông lớn công nghệ thế giới.
Tạm thời chưa ghi nhiều dấu ấn trên thị trường nhưng điện thoại Vsmart của ông Phạm Nhật Vượng có lợi thế từ chuỗi bán lẻ của Vingroup và có bước đi hoành tráng, từ ra mắt ấn tượng tại tòa nhà Landmark 81 cho tới cú tấn công chiến lược tận trời Tây, Tây Ban Nha.
Giới đầu tư kỳ vọng Vingroup sẽ là một Samsung của Việt Nam, cũng xuất phát từ kinh doanh thực phẩm rồi chuyển sang công nghệ và làm nên những kỳ tích như chaebol Samsung làm cho Hàn Quốc.
FPT Retail của ông Trương Gia Bình cũng mở rộng nhanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại và có được nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong hơn 30 chuỗi bán lẻ điện thoại di động, top 3 MWG, FPT Shop và Viettel Store đang chiếm tỷ trọng lớn. Cuộc đua trên thị trường bán lẻ giờ chỉ còn lại những tên tuổi lớn như MWG, Viettel Store, FPT Shop, Vietthong A (nay là Vinsmart). Các chuỗi bán lẻ đã chiếm đến 70%, trong khi các nhà cung cấp lớn (Samsung, Apple, Oppo) chiếm tới 90% thị phần (riêng Samsung là gần 45%).
Ông Phạm Nhật Vượng. |
Thị trường được phân chia tương đối, với nhiều đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội,... đã bão hòa. Các doanh nghiệp đang vươn ra các tỉnh lẻ, với lợi thế đang nghiêng về MWG nhờ chính sách “nhanh nhất”, trong khi Viettel Store với vị thế nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam đang chinh phục khách hàng với chính sách “rẻ nhất”.
Trong năm 2019, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu khá tham vọng với doanh thu thuần hợp nhất tăng mạnh 25% so với 2018 lên gần 108,5 ngàn tỷ đồng (4,7 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế tăng 24% lên gần 3,6 ngàn tỷ đồng. Mảng bán lẻ điện thoại và điện máy vẫn là nguồn thu chủ lực của MWG. Trong đó, điện máy là động lực tăng trưởng và MWG hướng tới mục tiêu 40% thị phần ở mảng này.
Trong 10 năm qua, doanh thu của MWG đã tăng khoảng hơn 40 lần, trong khi lợi nhuận tăng khoảng 60 lần. MWG đặt mục tiêu kiếm 300 tỷ/ngày trong năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đa phần các cổ phiếu tiếp tục giảm giá. Một số cổ phiếu blue-chips rục rịch tăng trở lại như Sabeco, Vietcombank, Vinamilk, MWG,... nhưng cũng không giúp nhiều được cho thị trường. VN-Index mất mốc 950 điểm.
TTCK trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những diễn biến không thuận trên thế giới sau khi Mỹ và Trung căng thẳng về đàm phán thương mại.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo CK Bảo Việt, việc khối ngoại vẫn đẩy mạnh hoạt động bán ròng trong giai đoạn này càng khiến cho cơ hội hồi phục của thị trường trở nên khó khăn hơn trong ngắn hạn. Rủi ro tiếp tục giảm điểm của thị trường trong ngắn hạn vẫn được đánh giá ở mức cao.
Còn theo MBS, về kỹ thuật, phiên này đã xác nhận chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng kỹ thuật quan trọng MA200 ngày, một tín hiệu có thể khiến nhiều nhóm cổ phiếu rơi vào trạng thái phải cắt lỗ. Dòng tiền vẫn dậm chân tại chỗ cũng cho thấy nhà đầu tư chưa đặt cửa cho kịch bản thị trường sẽ tăng ở đầu tuần sau nếu đàm phán thương mai có kịch bản tốt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/5, VN-Index giảm 4,21 điểm xuống 947,01 điểm; Hnx-Index giảm 0,65 điểm xuống 105,26 điểm và Upcom-Index giảm 0,23 điểm xuống 54,87 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 6,5 ngàn tỷ đồng
H. Tú