Nhật Bản đã đặt lực lượng phòng vệ bờ biển trong tình trạng báo động cao khi một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc từ Hong Kong lên đường đi tàu ra quần đảo tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền Trung Quốc.

Theo thông tin của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, con tàu này thuộc Ủy ban Hành động bảo vệ quần đảo Điếu Ngư (cách gọi của Trung Quốc và Nhật Bản gọi là Senkaku) từ Hong Kong mang theo 15 người, trong đó có 11 nhà hoạt động ra vùng tranh chấp.

Ảnh: newsonjapan

Mục đích của họ là để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với khu vực này. Các nhà hoạt động có một người tới từ Macao, một ở đại lục và còn lại từ Hong Kong. Chan Miu-tak, chủ tịch nhóm các nhà hoạt động Hong Kong cho hay, chuyến đi này nhằm đáp trả việc 50 nghị sĩ Nhật Bản dự kiến tới Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 19/8.

CCTV dẫn các thông tin từ Tokyo nhấn mạnh rằng, Nhật Bản đã đặt lực lượng phòng vệ bờ biển trong tình trạng báo động cao và tăng cường các chuyến tuần tra ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đài này nói rằng, các quan chức Nhật đã rất ngạc nhiên khi một nhóm nhà hoạt động Trung Quốc được phép rời Hong Kong, khác hẳn với trước đây khi họ bị ngăn cản làm vậy.

Chưa rõ là tàu chở các nhà hoạt động này có được sự hỗ trợ của những tàu giám sát Trung Quốc hay không. Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đưa tin, cảnh sát biển Hong Kong đã chặn tàu để kiểm tra trong khi con tàu rời đi vào đêm 12/8. "Các nhà hoạt động đã khóa phòng chỉ huy và tiếp tục đi, buộc cảnh sát phải cho phép họ", tờ báo cho biết. "Chúng tôi dự kiến sẽ tới quần đảo vào 15/8", Chan nói.

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cuối tháng trước tuyên bố, lực lượng phòng vệ bờ biển nước này sẽ không cho phép bất kỳ tàu nước ngoài nào tới vùng biển ở quần đảo không có người ở và được tin là rất giàu tài nguyên khoáng sản. Trong phiên họp toàn thể Hạ viện Nhật ngày 26/7, ông Noda khẳng định: "Trong trường hợp một quốc gia láng giềng dính líu tới các hoạt động bất hợp pháp trên lãnh thổ đất liền và lãnh hải của chúng ta, bao gồm quần đảo Senkaku, chúng ta sẽ phản ứng kiên quyết, kể cả khả năng sử dụng lực lượng phòng vệ nếu cần thiết".

Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền. Tranh chấp hai bên đột ngột trở nên căng thẳng từ hồi tháng 4 khi Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara tuyên bố kế hoạch mua lại các đảo từ chủ sở hữu tư nhân. Một chiến dịch gây quỹ bắt đầu với kết quả thu được hơn 16 triệu USD. Ngày 8/6, Thủ tướng Noda đã đề cập tới vấn đề với lời kêu gọi "quốc hữu hóa" nhóm đảo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nhóm đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc và "không chấp nhận các tuyên bố của Nhật" về vấn đề này.

Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Nira đã được gọi về Tokyo trong các cuộc tham vấn cấp cao với chính phủ. Ông Nira cảnh báo về nguy cơ một "cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng" giữa những người khổng lồ châu Á.

Thái An (theo zeenews)