Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp tại nước này vẫn phụ thuộc vào các hệ thống độc quyền, một yếu tố cản trở nghiêm trọng quá trình chuyển đổi số.
Dịch vụ đám mây phổ biến nhất vẫn là các đám mây công cộng, cho phép người dùng truy cập, ứng dụng phần mềm và các công cụ khác mà không cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật riêng, do các dịch vụ được cung cấp thông qua trung tâm dữ liệu của bên thứ ba vận hành. Tuy nhiên, khi hệ thống bị hỏng hóc, người dùng không thể tự sửa chữa.
Các công ty trên toàn cầu đang tận dụng hiệu quả về mặt chi phí mà điện toán đám mây mang lại nhằm thúc đẩy chuyển đổi số.
“Dịch vụ đám mây đã giúp các công ty tăng tốc phát triển sản phẩm cũng như các hoạt động khác. Đám mây cho phép người dùng khai thác công nghệ tiên tiến, gồm cả trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn”, Hiroyuki Nakayama tại hãng tư vấn PwC Consulting cho biết.
Theo công ty nghiên cứu IDC của Mỹ, khách hàng của Amazon Web Service, dịch vụ đám mây của Amazon, có thể cắt giảm chi phí cơ sở hạ tầng cho công nghệ thông tin trung bình từ 22% - 29% hàng năm.
Thế nhưng, lĩnh vực điện toán đám mây đang tăng trưởng chậm tại Nhật Bản. Số liệu từ công ty nghiên cứu Garner ghi nhận chi tiêu cho dịch vụ đám mây công cộng tại đây chỉ chiếm 4,3% tổng chi tiêu CNTT trong năm 2021, so với 14,4% ở Bắc Mỹ, 9,7% ở châu Âu và 6,4% ở Trung Quốc. Khoảng cách này được dự báo sẽ tiếp tục tăng đến năm 2025 khi Bắc Mỹ đạt 22,2% còn Nhật Bản là 8%.
“Đi lệch khỏi chuẩn chung thế giới, Nhật Bản đã bị bỏ lại phía sau trong quá trình di chuyển lên nền tảng đám mây”, Hajime Tamaki, Giám đốc thông tin của Panasonic Holdings, nhận định.
Các công ty Nhật Bản chậm chạp trong lĩnh vực này do họ ưa thích cơ sở hạ tầng điện toán tại chỗ (on-site) để phù hợp với từng đơn vị kinh doanh. Ngoài ra, việc thiếu chuyên gia CNTT lành nghề có khả năng xây dựng các hệ thống nội bộ cũng là một nguyên nhân.
Tuy vậy, yếu tố chính cản trở doanh nghiệp Nhật “lên mây” là do chi phí duy trì các hệ thống độc quyền. Cuộc khảo sát trong năm tài khoá 2021 của Hiệp hội người dùng hệ thống thông tin Nhật cho thấy các công ty tại đất nước “mặt trời mọc” đã chi 76,4% ngân sách CNTT cho việc bảo trì và quản lý hệ thống hiện có.
Việc ứng dụng chậm chạp công nghệ mới có thể làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật Bản. Dữ liệu về sự thâm nhập của điện toán đám mây tại 30 quốc gia cho thấy sự tương quan với bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu của IMD năm 2021. Theo đó, Nhật Bản chỉ xếp ở vị trí 28 (73 điểm) với 31% công ty sử dụng đám mây, trong khi đó, Thuỵ Điển - nơi có 75% công ty “lên mây” đứng thứ 3/30 (95,2 điểm) trong xếp hạng của IMD. Tương tự với những quốc gia có tỷ lệ sử dụng đám mây cao như Mỹ, Phần Lan và Na Uy.
Thế Vinh (Theo NikkeiAsia)