Nhật Bản đang lên kế hoạch đưa các bài giảng về giá trị đạo đức truyền thống trở lại trường học, bởi chính quyền nước này cho rằng cần khôi phục lại các giá trị đã bị xói mòn do sự ập đến của văn hóa Mỹ sau Thế chiến thứ 2.

{keywords}

Sáng kiến giáo dục này là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe và các đồng minh bảo thủ của ông nhắm thúc đẩy các chính sách để đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia mạnh mẽ hơn và đáng tự hào hơn.

Hiện tại, các thành viên Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do của nước này cũng đang tranh cãi sôi nổi về việc sửa đổi sách giáo khoa lịch sử và việc bắt buộc hát quốc ca ở trường học.

Sáng kiến mới này bắt nguồn từ quan điểm bảo thủ cho rằng người Nhật – đặc biệt là giới trẻ hiện nay - đang coi nhẹ yếu tố dân tộc và lịch sử dân tộc do kiến thức ở trường tập trung quá nhiều vào thời kỳ chiến tranh Nhật Bản.

Để phản đối quan điểm này, năm nay Chính quyền của ông Abe đã đưa ra những quy tắc khuyến khích tinh thần yêu nước và tình yêu với lịch sử Nhật Bản, với các giá trị truyền thống và văn hóa độc đáo như đạo Shinto, tầm quan trọng của việc vâng lời, sự tử tế và tự kiểm soát.

Bộ quy tắc mới này dựa trên Huấn lệnh giáo dục năm 1890 và giáo dục đạo đức tiền chiến. Hiện các nhà xuất bản đang tích hợp bộ quy tắc mới này vào sách giáo khoa. Sách sẽ được sử dụng trong các lớp học đạo đức ở trường tiểu học và trung học cơ sở bắt đầu từ năm 2018 sau một thời gian nhận sự góp ý của dư luận và được sự đồng ý của Chính phủ.

Sáng kiến của ông Abe được nhiều người Nhật ủng hộ, đặc biệt là những người cho rằng sự tự do cá nhân của văn hóa phương Tây đang gây tác động xấu tới giới trẻ, trong đó có sự gia tăng của tình trạng bắt nạt, trẻ vị thành niên phạm tội và sự lộn xộn trong lớp học.

“Giáo viên và học sinh đang ngày càng bình đẳng, dẫn tới việc giáo viên mất quyền lực trong lớp học” – ông Shigeki Kaizuka, giáo sư ĐH Musashino, người ủng hộ mạnh mẽ việc dạy các giá trị truyền thống trong trường học, cho hay.

Tuy nhiên, ý tưởng này của ông Abe cũng vấp phải không ít những phản đối.

Hiệp hội Giáo viên Nhật Bản phản đối chương trình này và cho rằng việc đánh giá học sinh dựa trên các giá trị đạo đức truyền thống giống như một sự ép buộc. Phát ngôn viên của Hiệp hội cho rằng, thay vì tập trung vào dạy người dân yêu quê hương, đất nước thì Chính phủ nên nỗ lực hơn nữa để đất nước Nhật Bản xứng đáng với tình yêu đó.

Bà Atsuko Tsuruta – một giáo sư giáo dục đã về hưu từng làm việc ở ĐH Sacred Heart, Tokyo – nhìn nhận sự thay đổi này là một bước lùi. Nó làm bà nhớ lại thời kỳ mà các trường học Nhật Bản đặt ra những quy định đề cao sự vâng lời với những tấm biển lớn có ghi dòng chữ “vâng lời” trong các trường học.

“Giáo dục tiền chiến coi sự vâng lời như một đức tính, đặc biệt là đối với phụ nữ” – bà nói. “Người ta tránh thể hiện quan điểm của mình. Phản biện không được khuyến khích”.

Bà Tsuruta không cho rằng các lớp học đang trở nên mất trật tự và hỗn loạn. “Đó chính là dân chủ. Dân chủ là một thứ luôn lộn xộn”.

  • Nguyễn Thảo (Theo Wall Street Journal)