Việc sản xuất xi măng để làm bê tông trong xây dựng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lượng khí thải CO2. Thế giới vẫn phụ thuộc vào nguồn vật liệu này để xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó nguồn phát thải nhiều hơn và ngày càng nghiêm trọng.
Một công ty ở Nhật Bản vừa giới thiệu ra thị trường loại bê tông mới, có thể thu giữ CO2 thay vì thải ra. Tập đoàn Kajima, hợp tác với Công ty Điện lực Chugoku, Denka và Công ty Landes vừa cho ra mắt loại bê tông có tên CO2-Suicom.
Trong quá trình sản xuất, một hỗn hợp xi măng đặc biệt được đặt trong một buồng trộn và CO2, sau đó được bơm vào buồng để hấp thụ. Lượng CO2 hấp thụ sẽ được giữ lại bên trong bê tông và không được giải phóng. Điều quan trọng là nó cũng bền như bê tông thông thường.
Theo đại diện của Kajima, bê tông cứng lại thông qua phản ứng hóa học giữa xi măng và nước. Nhưng với CO2-Suicom, hơn một nửa xi măng được thay thế bằng vật liệu mà họ gọi là γ-C2S. Thay vì phản ứng với nước, γ-C2S phản ứng với CO2 trong không khí để cứng lại. Sau khi trộn các vật liệu cần thiết để tạo ra CO2-Suicom, bê tông có thể được đặt ở vị trí có nồng độ CO2 cao để có thể thu giữ CO2 và đông cứng, giữ khí bên trong.
Tại các nhà máy nhiệt điện, hoặc cơ cở sản xuất thải ra nhiều carbon, có thể chuyển hướng khí vào buồng cô lập carbon. Tại đây có thể đặt các sản phẩm bê tông được làm bằng CO2-Suicom để thu giữ CO2 trong khí.
Tuy nhiên, vấn đề quan ngại hiện nay là giá thành khá cao, chưa thể sử dụng rộng rãi.
Một đại diện của Kajima Corporation cho biết, chi phí sản xuất bê tông CO2-Suicom cao hơn khoảng ba lần so với bê tông tiêu chuẩn được sử dụng ở Nhật Bản.
(Theo Nendo, Kajima)