Ông Đào Xuân Ánh, Tổng giám đốc NCS Solutions Corporation

Ông Đào Xuân Ánh, Tổng giám đốc NCS Solutions Corporation:

“Nhật Bản là thị trường rất tiềm năng, nhưng cần kiên trì”

ICTnews - Ông Đào Xuân Ánh, Tổng giám đốc NCS Solutions đã chia sẻ với Báo BĐVN những kinh nghiệm làm ăn với thị trường phần mềm Nhật Bản đầy tiềm năng.

Công ty NCS Solutions vừa nhận được giấy phép đầu tư của Bộ KH&ĐT để đầu tư lập Công ty 100% vốn tại Nhật Bản (Công ty NCS Japan). Lý do nào khiến ông quyết định mở công ty tại thị trường Nhật Bản vào thời điểm này?

Chúng tôi đã có VPĐD tại thị trường Nhật Bản từ năm 2003, nhưng hoạt động qua văn phòng của một công ty đối tác. Đối với Nhật Bản, làm việc một cách quy củ là điều rất quan trọng, chứ kiểu thông qua một bên thứ ba dễ gây hiểu lầm và thường công ty nhỏ mới hoạt động như vậy. Giờ đây, quy mô và tầm vóc của NCS Solutions đã lớn mạnh hơn rất nhiều và cần có sự hiện diện chính thức tại thị trường này. Đó là lý do chính để chúng tôi thành lập Công ty NCS Japan.

Từ đầu tháng 1/2008 đến nay, giám đốc NCS Japan – TS. Kojima đã đi marketing hơn 50 đối tác, khách hàng của NCS tại Nhật Bản và đã thu được những kết quả đầu tiên: Chúng tôi có thêm 5 hợp đồng mới, với những đối tác mới hoàn toàn, trong đó hợp đồng lớn nhất kéo dài đến 1 năm và đạt 120 man-month (quy mô hợp đồng tính theo số lượng nhân công tham gia-PV).

Tại thị trường phần mềm Nhật Bản, đâu là định hướng và những sản phẩm - giải pháp chính mà NCS tập trung vào, thưa ông?

Tại thị trường Nhật Bản, mảng truyền thống của chúng tôi từ năm 2002 là bán các sản phẩm phần mềm đóng gói trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến và mô phỏng. Mảng thứ hai là gia công phần mềm, chúng tôi nhận dự án hoặc một phần dự án phần mềm lớn của các công ty Nhật để gia công tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, NCS cũng sẽ giới thiệu và bán các giải pháp phần mềm của Nhật Bản tại Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, nhiều công ty lớn trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, chứng khoán… có nhu cầu ứng dụng những giải pháp phần mềm lớn, chuyên biệt. Đây là những giải pháp mà các công ty phần mềm Việt Nam khó có thể đáp ứng ngay được. Vì thế, chúng tôi sẽ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ các đối tác Nhật Bản Việt hóa sản phẩm, triển khai ứng dụng cho các khách hàng Việt Nam cũng như bảo hành sản phẩm sau đó.

Riêng với NCS Japan, bên cạnh chuyện tiếp thị để “hút” các dự án phần mềm về Việt Nam, sẽ đưa các kỹ sư phần mềm Việt Nam sang Nhật Bản để họ làm việc tại các công ty Nhật, học tiếng Nhật và cách làm của người Nhật, nhằm đào tạo lớp kỹ sư cầu nối (BE – Bridge Engineers).

Việc xây dựng đội ngũ BE là rất quan trọng, bởi với những dự án lớn, các công ty Nhật Bản yêu cầu phải có người làm on-site (làm tại Nhật), biết cả tiếng Nhật, tiếng Việt và quy trình làm việc. Trong giai đoạn thiết kế dự án, BE tham gia cùng kỹ sư Nhật và sau này họ sẽ là người đưa dự án về Việt Nam. Sự am hiểu thiết kế tổng thể dự án của BE sẽ giúp việc triển khai dự án thuận lợi hơn rất nhiều. Trong tháng 4 tới chúng tôi sẽ cử đi 3 người, tháng 7 là 2 người và số BE này sẽ tăng lên trong thời gian tới.

NCS Solutions thành lập năm 2001, hiện có 182 nhân viên. Các khách hàng chính của công ty tại Nhật Bản là Công ty NEC Soft; Hitachi Soft; NTT Data; KobeSteel…

Tại thị trường trong nước, NCS Solutions cũng có khá nhiều giải pháp đang được khách hàng là các cơ quan Chính phủ, các trường đại học, khối các doanh nghiệp sử dụng, như Bộ TT&TT, Bộ LĐTB&XH; Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu Công nghiệp; các trường đại học; VMS-MobiFone, Microsoft... Riêng với Bộ TT&TT, NCS Solutions đã và đang tham gia triển khai 3 dự án, là: Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước và thúc đẩy ứng dụng CNTT”; Dự án “Đầu tư trang thiết bị xây dựng trung tâm chứng thực số phục vụ công tác quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử”, dự án “Xây dựng cơ chế, chính sách về ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở”. Thông tin về công ty có thể tham khảo tại địa chỉ: www.ncs.com.vn

Ông đánh giá ra sao về tiềm năng của thị trường phần mềm Nhật Bản và khả năng khai thác thị trường này đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam?

Nhật Bản là một thị trường phần mềm rất lớn, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau thị trường Mỹ, nhưng lại đang thiếu hụt kỹ sư CNTT trầm trọng, trung bình mỗi năm số lượng này giảm 3-4%. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật trong những năm qua lại phát triển khá ổn định. Chính vì những lý do đó mà người Nhật hoặc chuyển các dự án phần mềm ra nước ngoài, hoặc là thuê người nước ngoài làm tại Nhật Bản. Theo tôi, đó là cơ hội rất lớn cho các công ty phần mềm Việt Nam.

Hiện nay, các công ty phần mềm Trung Quốc chiếm số lượng đông đảo nhất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật lại đang muốn phân tải rủi ro ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên của họ. Bởi trên thế giới chỉ có 4 nước có nền văn hóa, tín ngưỡng khá tương đồng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam: cùng theo đạo Phật, coi trọng tinh thần Nho giáo, trước kia cùng sử dụng chữ Hán,… Vì thế, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thâm nhập thị trường Nhật Bản so với các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Tuy nhiên, hạ tầng CNTT còn yếu kém so với các nước trong khu vực và gần đây giá thuê nhân công, giá thuê văn phòng tăng cao cũng là những trở ngại cho chúng ta.

Được biết, NCS Solutions là một trong không nhiều các công ty phần mềm Việt Nam khá thành công khi thâm nhập thị trường phần mềm Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi kinh doanh tại thị trường được đánh giá là “kỹ tính” này?

Với các khách hàng Nhật Bản, họ rất cẩn trọng khi mới tiếp xúc và phải mất nhiều thời gian để thuyết phục họ đưa dự án vào. Ban đầu, họ thường chuyển sang những dự án rất nhỏ, thấy kết quả tốt thì tiếp tục giao cho dự án lớn hơn một chút nữa, cứ thế cho đến khi nào họ thực sự tin tưởng thì công việc mới chính thức bắt đầu. Vì thế, các công ty phần mềm nếu muốn làm ăn với Nhật Bản thì phải rất kiên trì và có tầm nhìn dài hạn (có những công ty phải đến tận 2 năm sau mới có được hợp đồng đầu tiên). Nhưng một khi khách hàng Nhật đã tin tưởng rồi thì công việc sẽ đều đặn.

Một điểm nữa cũng cần lưu ý là từ năm 2006, bảo mật thông tin đã trở thành vấn đề nóng ở Nhật, bởi đã có những vụ lộ thông tin cá nhân, lộ bí mật kinh doanh tại các công ty Nhật. Vì thế, hiện nay họ kiểm soát việc gia công dự án ở bên ngoài rất chặt chẽ. Nghĩa là công ty nhận gia công phần mềm phải xây dựng được một hệ thống an ninh thông tin nghiêm ngặt, đáp ứng yêu cầu bảo mật của các khách hàng Nhật Bản thì mới mong nhận được hợp đồng. Đó cũng chính là lý do mà tháng 3/2008 chúng tôi sẽ chuyển văn phòng mới, với hệ thống bảo mật thông tin được tăng cường và lấy chứng chỉ bảo mật ISO 27001, để nâng cao tính cạnh tranh của công ty.

Gần đây, VINASA cũng đặt ra hướng làm phần mềm nhúng cho các công ty Việt Nam. Theo hướng này thì bảo mật thông tin lại càng trở nên quan trọng, bởi các sản phẩm ở đây chủ yếu đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, nếu thông tin bị lộ  sẽ gây tổn thất rất lớn cho các công ty nước ngoài. Đó cũng là một kinh nghiệm mà các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.

Xin cảm ơn ông.

Lê Minh (Thực hiện)

  • Toàn bộ bài báo đã đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 15/2008
  • Độc giả có thể đặt câu hỏi với ông Đào Xuân Ánh đến hết ngày 25/02/2008 và gửi về qua email: [email protected]