Ảnh minh họa: Internet |
Các nhà mạng Nhật Bản dự kiến triển khai mạng 5G trong năm nay tại các khu vực đô thị lớn và mở rộng tới các vùng nông thôn vào năm 2022. Hai nhà khai thác DoCoMo và KDDI nói sẽ phủ sóng 5G trên 90% lãnh thổ vào năm 2025. Trong khi đó, nhà mạng Softbank dự kiến phủ sóng 64% lãnh thổ vào năm 2025.
Có lẽ chậm chân khi triển khai 5G đang thúc đẩy Nhật Bản giành vị trí dẫn đầu trong công nghệ 6G. Vào tháng 11/2019, Chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ dành 2,03 tỷ USD để khuyến khích tư nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G.
Tháng 1/2020, DoCoMo phát hành sách trắng về công nghệ 6G. Trong đó, các nhà nghiên cứu dự đoán 6G sẽ được giới thiệu vào năm 2030. Tại thời điểm này, DoCoMo cho biết nhiều trường hợp sử dụng 5G như việc cung cấp băng thông rộng di động nâng cao và truyền thông độ trễ cực thấp cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp sẽ xảy ra. Song vào năm 2030, cần có các dịch vụ vô tuyến tiên tiến hơn có thể thực hiện những công việc phức tạp hơn như giải quyết các vấn đề xã hội, cung cấp thông tin liên lạc giữa con người với mọi vật và cung cấp liên kết trong không gian mạng thực-ảo tinh vi.
Cũng theo DoCoMo, liên kết trong không gian mạng thực-ảo đó là việc truyền tải và xử lý một lượng lớn thông tin giữa không gian ảo và không gian vật lý mà không bị chậm trễ. Đối với con người, điều đó có nghĩa là những suy nghĩ và hành động được truyền tải trong thời gian thực thông qua các thiết bị đeo hoặc như chúng ta nói trong thế giới khoa học viễn tưởng là điều khiển não bộ.
Nói về vấn đề này, Lynnette Luna, nhà phân tích chính của công ty phân tích dữ liệu toàn cầu GlobalData cũng lưu ý rằng nhiều tính năng được quảng bá cho mạng 4G, chẳng hạn như mô hình giá cước linh hoạt, có nghĩa là giá cước sẽ thay đổi theo từng thời điểm khác nhau hay dịch vụ băng rộng di động tiên tiến đã không xảy ra. Hiện nay, 5G cũng đang được quảng cáo với nhiều tính năng vượt trội như phục vụ kết nối cho xe tự lái có lẽ sẽ không xảy ra hoặc ít nhất là không được phổ biến rộng rãi. Sẽ có những khu vực mà ở đó bạn được sử dụng các ứng dụng di động có độ trễ cực thấp với việc ứng dụng công nghệ điện toán biên nhưng điều đó rất tốn kém để đặt ở mọi nơi.
Sách trắng của DoCoMo phác thảo 6G có tốc độ dữ liệu cao nhất lớn hơn 100 Gbps, độ trễ thấp hơn 1 ms và có khả năng sử dụng phổ tần số trong băng tần Terahertz (khoảng 1.000 GHz), tức là sử dụng phổ tần số cao hơn nhiều so với các băng tần số đang được triển khai cho 5G hiện nay.
Về phạm vi phủ sóng, DoCoMo cho biết mạng 6G có vùng phủ sóng không chỉ ở trên đất liền mà còn trên bầu trời, biển và không gian. Để thực hiện điều đó, mạng 6G sẽ cần nhiều hơn các mạng di động truyền thống hiện nay. DoCoMo cho biết cấu trúc liên kết mạng 6G mới có thể sẽ là ba chiều và bao gồm các vệ tinh địa tĩnh, vệ tinh quỹ đạo thấp và thiết bị bay trên tầng cao giống vệ tinh (HAPS: High Altitude Pseudo Satellites) có thể được đặt ở một vị trí cố định ở độ cao 20 km và hình thành một vùng phủ sóng rộng.
Các trạm gốc di động và ăng-ten cũng được cải tiến lại trong thế giới 6G. Các trạm gốc sẽ được thiết kế hình lục giác để giảm nhiễu và ăng ten có thể được làm bằng các vật liệu khác nhau và kết hợp với gương phản xạ và cảm biến.
Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng cần xem xét đó là chi phí triển khai mạng 6G. Việc tạo ra một mạng lưới ba chiều kết hợp các vệ tinh, phổ tần số ở băng tần Terahertz và một lượng ăng-ten khổng lồ đòi hỏi các nhà khai thác phải bỏ ra một khoản đầu tư khá lớn.