Giá tăng nhưng không quá đột biến

Trao đổi với báo chí chiều 14/1 về vấn đề giá thịt lợn tăng và nguồn cung mặt hàng này cho thị trường Tết Nguyên đán 2021, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng sản lượng thịt 2020 đạt trên 5,37 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn.

Cuối tháng 12/2020, đàn lợn cả nước đạt 27,3 triệu con. Hiện nay, tình hình tái đàn, tăng đàn lợn tại các tỉnh thành trên cả nước diễn ra rất tốt, trong đó có 16 tỉnh có tỷ lệ tái đàn và tăng đàn đạt trên 100%. 

“Sau khi theo đúng kịch bản cuối quý III và đầu quý IV/năm 2020, nguồn cung thịt lợn tăng dần, giá mặt hàng này cũng hạ về mức hợp lý”, ông Trọng khẳng định.

Tuy nhiên theo ông Trọng, gần đây giá thịt lợn lại có xu hướng tăng mạnh, bởi theo quy luật thì dịp cận Tết, thường là cuối tháng 11 đầu tháng 12 Âm lịch giá sẽ tăng cao vì phục vụ nhu cầu chế biến sâu (giò chả, xúc xích…). Đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thịt lợn cao nhất năm. 

{keywords}
Giá thịt lợn những ngày này đang có xu hướng tăng mạnh

Hiện lợn hơi có giá 83.000-85.000 đồng/kg, song đây là giá đã qua đại lý cấp 2, cấp 3. Còn tại chuồng giá dao động từ 78.000-82.000 đồng/kg. Ông Trọng khẳng định, những ngày tới giá sẽ tăng thêm, nhưng sẽ không tăng quá đột biến như 2019 vì chúng ta hoàn toàn chủ động được nguồn cung.

Mức giá như hiện nay là hài hòa cho cả 3 khâu sản xuất, cung ứng và tiêu dùng. Bởi, ở thời điểm quý II năm nay, giá lợn giống lên tới 2,5-3 triệu đồng/con, chi phí phòng dịch cũng tăng nên giá thành sản xuất khoảng 70.000 đồng/kg lợn hơi.

Còn về nguồn cung thịt lợn cho thị trường Tết, ông Trọng cho biết, nhu cầu sẽ tăng từ 10-15% nhưng vẫn sẽ đảm bảo, không thiếu hàng. Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị một lượng hàng lớn để cung ứng. Ví như một doanh nghiệp chăn nuôi trong ngành, ngày thường chỉ xuất bán 15.000-17.000 con lợn/ngày thì dịp Tết này họ xuất bán tới 18.000 con lợn mỗi ngày. 

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải kiểm soát, ngăn chặn được việc vận chuyển lợn trái phép sang Trung Quốc.

“Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tại Trung Quốc rất cao, giá bên họ cũng cao gấp đôi so với giá lợn ở nước ta. Theo một số thông tin, lợn sống và lợn mảng ở nước ta đang được tuồn đi Trung Quốc và đi theo rất nhiều hướng khác nhau. Có doanh nghiệp nhập khẩu lợn từ Thái Lan về rồi đưa sang Trung Quốc. Phải kiểm soát được thật tốt việc này thì mới chủ động được cung cầu”, ông nhấn mạnh.

Đã nhập hơn nửa triệu con lợn sống

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2020, Việt Nam nhập khẩu gần 226 nghìn tấn thịt lợn các loại, tăng 260% so với năm 2019. Thị trường nhập chủ yếu là từ các nước Nga, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha. Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, chúng ta tiếp tục nhập khẩu 600 tấn thịt lợn để bổ sung nguồn cung cho thị trường Tết.

Riêng về nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, thống kê của Cục Thú y cho thấy, từ giữa tháng 6/2020 đến ngày 13/1/2021 đã có hơn 503 nghìn con lợn được nhập về Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

{keywords}
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, khi nguồn cung trong nước đáp ứng đủ thì sẽ dừng nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiếp cho biết, việc mở cửa nhập khẩu lợn sống Thái Lan từ tháng 6/2020 nhằm mục đích tăng nguồn cung thịt lợn trong nước, từ đó dần đưa mặt hàng này về mức giá hợp lý hơn. Thực tế, chúng ta đã làm được.

Đề cập tới câu chuyện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về nước ta trong năm 2021, theo ông Tiến, trong văn bản cho phép nhập khẩu mặt hàng này từ ngày 12/6/2020 có nói rõ, khi nào chăn nuôi lợn trong nước đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì báo cho doanh nghiệp trước một tháng để “đóng cửa” không nhập nữa.

“Thực tế tốc độ tăng đàn, tái đàn tại các địa phương rất tốt. Sắp tới lại có vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi nên chúng ta sẽ sớm đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong nước”, ông nói.

Tâm An