Việc xuất hiện các ý kiến trái chiều về vấn đề nhân thân trong xét xử và tuyển sinh là một điều đáng mừng. Các cơ quan chức năng cần lắng nghe những ý kiến trái chiều để xem xét và điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp và ưu việt hơn.

Gần đây, có một vụ việc được dư luận quan tâm, đó là vụ án một bí thư huyện ủy điều khiển ô tô gây tai nạn khiến ba người tử vong. Do gia đình nạn nhân có đơn miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị cáo đã tích cực khắc phục hậu quả đồng thời có nhân thân tốt nên mức án dành cho bị cáo từ mức ba năm tù giam đã được toà giảm xuống còn... ba năm tù treo.

Từ bản án 03 năm tù treo

Bản án nhẹ tênh khiến người viết băn khoăn: Từ bao giờ, những yếu tố thuộc về nhân thân đã trở thành một chiếc phao cứu sinh luôn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ như thế? Chưa kể, phải lý giải ra sao khi một số tình tiết giảm nhẹ liên quan tới nhân thân như “có nhiều thành tích đóng góp trong quá trình công tác” lại dễ rơi vào nhóm có quyền chức hơn là người dân thường?

Tuy nhiên, hãy nhớ lại vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nếu ông không phải là con liệt sĩ, bản thân chưa có tiền án, tiền sự thì biết đâu đã không thể đợi đến ngày được minh oan? Rõ ràng, nếu không xét tới nhân thân của bị cáo mà chỉ xét xử theo tội danh, đôi khi đó lại là sự cứng nhắc, thậm chí gây ra những sai lầm không thể sửa chữa. Từ đó có thể thấy việc nên giữ hay nên bỏ yếu tố về nhân thân trong quá trình xét xử là vấn đề không hề đơn giản.

Thực chất, bản thân quan điểm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật tự nó đã không chính xác. Bởi lẽ bình đẳng (equality) là một khái niệm dùng để chỉ việc đối xử giống nhau với mọi đối tượng. Trong khi đó công bằng (equity) hướng tới việc đối xử phù hợp dựa trên đặc điểm, nhu cầu của đối tượng.

Thí dụ, nếu lợi nhuận của một doanh nghiệp được chia đều cho mọi thành viên thì đó là sự bình đẳng; còn nếu được chia theo nguyên tắc làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít thì đó là sự công bằng. Một khi thừa nhận yếu tố nhân thân trong xét xử như hiện nay, rõ ràng thứ mà chúng ta theo đuổi là sự công bằng chứ không phải bình đẳng trước pháp luật.

Tạm gác lại vấn đề này, có một câu chuyện khác tưởng như không mấy liên quan, song thực chất cùng là một vấn đề. Đó là chính sách đang khiến xã hội nóng lên trong những ngày gần đây: Cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh ĐH.

{keywords}
Ảnh minh họa

Đến cộng điểm tuyển sinh đại học

Đây là chính sách đã được áp dụng từ lâu, tuy nhiên do cách thức thi tuyển và cộng điểm ưu tiên trong mùa tuyển sinh năm nay không giống với các năm trước nên xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều.

Xét cho cùng, ưu tiên theo khu vực và đối tượng trong tuyển sinh cũng giống như việc xem xét yếu tố “nhân thân” khi nghị án. Dù được thực hiện một cách nghiêm túc nhất, chính sách cộng điểm vẫn khó dung hòa mâu thuẫn giữa việc lựa chọn bình đẳng hay công bằng trong giáo dục.

Những người cho rằng giảng đường ĐH là nơi dành cho trí tuệ thực sự, không có chỗ cho các yếu tố thuộc về nhân thân, sẽ khó ủng hộ chính sách này, nhất là khi số điểm cộng quá lớn, làm mất đi tính phân loại thí sinh. Sự bình đẳng thể hiện ở chỗ: Cổng trường ĐH đó, ai đủ năng lực để trèo qua thì đỗ, ai không đủ năng lực để trèo qua thì trượt; rất đơn giản và minh bạch.

Ngược lại, những người cho rằng nên tạo cơ hội vào ĐH thuận lợi hơn cho các nhóm thí sinh khó khăn/ bất lợi hơn có xu hướng ủng hộ chính sách cộng điểm ưu tiên. Với họ, bên cạnh ý nghĩa học thuật, kỳ thi tuyển sinh vào ĐH còn phải đảm bảo sự công bằng xã hội.

Khó có thể nói công bằng hay bình đẳng sẽ tốt hơn, bởi đó là những lựa chọn chính sách tiềm ẩn cả ưu và nhược điểm. Một khi các nhà làm luật đã lựa chọn sự công bằng thì trong đa số các trường hợp sẽ phải hy sinh tính bình đẳng. Đó là thực tế chúng ta phải chấp nhận.

Vấn đề đặt ra là, dù lựa chọn sự công bằng làm mục tiêu của hệ thống tư pháp và giáo dục thì cũng cần có một một giới hạn hợp lý trong đối xử ưu đãi và khác biệt để tránh làm nảy sinh và gia tăng bất công từ chính quá trình mưu cầu sự công bằng đó.

Về căn bản, có hai câu hỏi cần phải đặt ra ở đây.

Thứ nhất, yếu tố nhân thân nên được xem xét tới mức độ nào? Nếu coi đó là yếu tố phụ trợ thì nó phải thực sự là phụ trợ chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn chế tài trong bản án hay kết quả trong tuyển sinh. Thay vì cộng tới vài điểm như hiện nay, nên chăng các trường ĐH tuyển từ điểm cao nhất xuống và trong số các thí sinh bằng điểm nhau còn lại mới ưu tiên thí sinh có hoàn cảnh bất lợi hơn?

Thứ hai, làm sao để xác định một cách hợp lý đối tượng đáng được ưu tiên về nhân thân? Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh dân tộc thiểu số không hề có hoàn cảnh khó khăn. Chưa kể điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn nhìn chung là khác nhau nhưng với từng cá nhân điều đó chưa chắc đúng. Vả lại, đã có ai nghĩ tới những thiệt thòi của học sinh thành thị và những thuận lợi của học sinh nông thôn hay chưa?

Những câu hỏi trên cho thấy bản chất vấn đề không hề đơn giản. Việc xuất hiện các ý kiến trái chiều về vấn đề nhân thân trong xét xử và tuyển sinh là một điều đáng mừng. Bởi lẽ không phải chính sách nào tồn tại lâu năm như một dạng tập quán sẽ luôn đúng đắn. Các cơ quan chức năng cần lắng nghe những ý kiến trái chiều để xem xét và điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp và ưu việt hơn.

Khương Duy