Tối nay, ngày 19/11/2016, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016.
Là giải thưởng do Hội khuyến học Việt Nam khởi xướng, cùng báo Dân trí, Tập đoàn VNPT là đơn vị đồng tổ chức và tài trợ chính, qua 12 năm, đến nay Nhân tài Đất Việt đã trở thành sân chơi rộng mở để các nhân tài của đất nước có cơ hội chứng minh sức mạnh của trí tuệ và sự sáng tạo phục vụ cộng đồng. Với khởi đầu là khuyến khích và tôn vinh tài năng trong lĩnh vực CNTT-TT, qua các năm, Nhân tài đất Việt đã không ngừng được mở rộng ra các lĩnh vực KHCN, Y dược, Môi trường, Khuyến tài.
Được truyền hình trực tuyến trên VTV2, lễ trao giải có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&CN Đặng Vũ Minh.
Theo Ban tổ chức, riêng với lĩnh vực CNTT, với chủ đề “Vì chất lượng cuộc sống” và chuỗi sự kiện “Đồng hành cùng startup” giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 đã thực sự là sân chơi công nghệ sôi động, cạnh tranh quyết liệt của các startup.
Hội đồng giám khảo đánh giá, điều đặc biệt nhất của giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT năm 2016 chính là sự hội tụ của các startup tài năng với những sản phẩm có chất lượng vượt trội. Những sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 có tính mới và ứng dụng cao nên rất dễ thành công khi bước ra thị trường. Sự đa dạng hóa của các sản phẩm kết hợp với sự năng động, tự tin của tác giả trong phần thuyết trình trước Hội đồng Giám khảo chung khảo chắc chắn sẽ tạo ra bất ngờ lớn về chủ nhân của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.
Trong báo cáo tại lễ trao giải diễn ra tối 19/11, ông Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập báo điện tử Dân Trí, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 lĩnh vực CNTT là cuộc thi tuyển chọn các sản phẩm công nghệ xuất sắc nhất nên Hội đồng Giám khảo luôn giữ vững nguyên tắc làm việc độc lập với Ban tổ chức, đánh giá sản phẩm dự thi một cách kỹ lưỡng trên cơ sở kiểm tra thực tế và lắng nghe thí sinh bảo vệ sản phẩm trước Hội đồng. “Kết quả giải thưởng luôn được giữ bí mật đến phút cuối cùng, đây cũng chính là một trong những yếu tố tạo nên sự kịch tính và hồi hộp mỗi đêm trao giải Nhân tài Đất Việt”, ông Hoàn nói.
Kết quả chung cuộc, ứng dụng hỗ trợ học ngoại ngữ có tên “Khỉ con tinh nghịch” (Monkey Junior) của nhóm tác giả đến từ Công ty cổ phần Early Start đã xuất sắc giành được giải Nhất lĩnh vực CNTT ứng dụng trên di động của giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 có trị giá 100 triệu đồng. Monkey Junior là hệ thống dạy học ngoại ngữ cho các bé từ 4 tháng tuổi đến 10 tuổi với kho dữ liệu đa phương tiện bao gồm: hình ảnh, video và âm thanh. Giải thưởng trị giá 100 triệu đồng
Cùng có trị giá 100 triệu đồng, giải Nhất lĩnh vực CNTT - hệ thống sản phẩm triển vọng của giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay đã thuộc về nhóm tác giả đến từ Công ty cổ phần Chọn lọc thông tin với sản phẩm “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC”. Sản phẩm này là một hệ thống phân tích thống kê thông tin trên mạng xã hội có đầy đủ chức năng của một hệ thống phần mềm dịch vụ SaaS, hệ thống sử dụng các kỹ thuật Deep Learning tiên tiến để xử lý văn bản Tiếng Việt.
Bên cạnh đó, cũng trong lĩnh vực CNTT, Ban tổ chức giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 cũng đã trao 2 giải Nhì mỗi giải trị giá 50 triệu đồng; 2 giải Ba mỗi giải trị giá 30 triệu đồng; 1 giải dành cho startup triển vọng trị giá 15 triệu đồng; và 2 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 15 triệu đồng cho các nhóm tác giả của các sản phẩm CNTT xuất sắc khác.
Chia sẻ tại lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016, anh Lê Công Thành, Trưởng nhóm tác giả “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC” - sản phẩm giành giải Nhất lĩnh vực CNTT triển vọng cho biết, giải thưởng là niềm vinh dự lớn đối với một công ty startup như công ty chúng tôi. Con đường startup thực sự không phải là con đường màu hồng mà có rất nhiều chông gai. Để làm startup thành công, chúng tôi còn thiếu rất nhiều mảnh ghép, vì thế hy vọng giải thưởng này sẽ giúp chúng tôi tìm được những mảnh ghép còn thiếu".
Anh Lê Công Thành cũng cho biết, một điều khá trùng hợp là đa phần phụ huynh của các thành viên trong nhóm đều là những thầy cô giáo. "Ngày mai là ngày 20/11, tôi xin gửi lời chúc mừng tới tất cả các nhà giáo Việt Nam. Tôi cũng muốn giành giải thưởng này như một lời tri ân chân thành gửi tới các thầy cô giáo của các thành viên trong nhóm. Bởi lẽ, không có tri thức của các thầy cô truyền dạy, nhóm chúng tôi không bao giờ có cơ hội đứng trên sân khấu này để nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt", anh Thành chia sẻ.
Tại lễ trao giải, bên cạnh lĩnh vực CNTT, Nhân tài Đất Việt 2016 cũng đã vinh danh các nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học công nghệ, Y Dược, Khuyến tài đã có những công trình nghiên cứu được Hội đồng Khoa học thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Hội đồng Khoa học Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội đồng Khoa học thuộc Bộ Y tế xem xét, đánh giá cao.
Cụ thể, năm nay, Hội đồng Khoa học Hội Khuyến học Việt Nam đã tuyển chọn và trao 4 giải Khuyến học - Tự học thành tài trị giá 30 triệu đồng/ giải cho 4 tác giả đến từ các tỉnh Long An, Quảng Trị, Hà Nam, Bắc Kạn là những tài năng từ tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận, bao gồm: sáng chế máy đánh suốt vải sợi của ông Trần Huy Quang (Hà Nam); đề án tự học sáng chế 6 loại máy (máy tách hạt bắp ngô, máy dập vỏ bia, máy cắt đa năng, máy dàn nâng hạ máy, máy cắt măng rừng, máy đánh vẩy cá, dàn nâng hạ máy) của ông Văn Đức Quynh (Quảng Trị); sáng chế máy sản xuất thức ăn cho tôm từ phế phẩm của ông Đinh Văn Sơn (Long An); và sáng chế lò đốt rác thải y tế của ông Trịnh Đình Năng (Bắc Kạn).
Với lĩnh vực Khoa học công nghệ, 1 giải Nhất trị giá 100 triệu đồng đã được trao cho Thạc sĩ Trần Văn Trà với công trình “Nghiên cứu cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ”.
Ở lĩnh vực Y dược, 2 giải thưởng đã được trao, gồm 1 giải Nhất trị giá 100 triệu đồng thuộc về công trình “Nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu” của GS.TS Nguyễn Anh Trí và nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; 1 giải Nhì trị giá 50 triệu đồng thuộc về nhóm các nhà khoa học của Bệnh viện Trung ương Huế, với công trình “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên điều trị ung thư đại trực tràng”.