Hưởng lợi lớn khi “lên sàn”
Hơn hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khiến nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân bị đình trệ sản xuất, sụt giảm doanh thu.
Thế nhưng ở Hợp tác xã Miến Việt Cường (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), doanh thu năm 2021 vẫn tăng gấp đôi so với năm trước. Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công này là tham gia sàn thương mại điện tử.
Trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập bình quân của Hợp tác xã Miến Việt Cường vẫn được duy trì ổn định từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng. |
“Suốt một thời gian dài, chúng tôi chỉ bán hàng ở các chợ truyền thống. Hơn 1 năm nay, Miến Việt Cường đã tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, giới thiệu và bán 4 sản phẩm chính gồm: Miến dong, miến tỏi đen, miến sắn dây và miến khoai lang, trong đó, miến dong đạt OCOP 5 sao. Trung bình mỗi năm chúng tôi sản xuất 400 – 600 tấn miến thành phẩm. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Miến Việt Cường vẫn sản xuất không kịp để tiêu thụ. Doanh thu năm 2021 của Hợp tác xã đạt 20 tỷ đồng, trong khi năm 2020 là 10 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của người lao động trong hợp tác xã được duy trì ổn định ở mức 6 – 9 triệu đồng/người/tháng, có người đạt 10 triệu đồng/tháng. Doanh thu tham gia sàn thương mại điện tử đã góp phần giúp chúng tôi có được kết quả kinh doanh như vậy”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường phấn khởi kể.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường giới thiệu sản phẩm đã đạt OCOP 5 sao. |
Hào hứng chia sẻ thêm về những lợi ích khi “lên sàn”, ông Sơn cho biết: “Lên sàn thương mại điện tử, ngoài chuyện bán được hàng thì đây còn là một kênh quảng bá rất tốt cho sản phẩm. Có thể người tiêu dùng chưa mua trên sàn nhưng biết được thông tin, thương hiệu của sản phẩm, sau đó tiện thì lại mua ở siêu thị hoặc cửa hàng gần nhà. Bây giờ ai cũng có smartphone và cơ hội vào mạng Internet. Chúng tôi xác định thương mại điện tử là kênh kinh doanh chính chứ không còn là kênh phụ, nên thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư cho kênh này”.
Tương tự Hợp tác xã Miến Việt Cường, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên) cũng tăng sản lượng và doanh thu sau khi lên sàn thương mại điện tử.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đánh giá cao những lợi ích khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. |
Theo Giám đốc Đào Thanh Hảo, “vài năm gần đây, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đã bán hàng qua một số sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, hoặc qua các kênh Zalo, Facebook. Sản lượng chè trung bình mỗi năm khoảng 180 – 200 tấn. Từ khi đưa mặt hàng chè lên sàn, mức doanh thu hàng tháng, hàng năm đã cao hơn bình thường trước kia. Khách hàng cũng dành nhiều lời khen cho sản phẩm vì thông tin rõ ràng, minh bạch về nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc…”.
“Hiện đang có 14 sản phẩm Chè Hảo Đạt trên sàn thương mại điện tử, chia thành 3 dòng sản phẩm gồm trà đinh, trà nõn tôm, trà móc câu. Trong đó, dòng trà nõn tôm là sản phẩm OCOP 5 sao, còn chè đinh, móc câu là sản phẩm OCOP 4 sao. Chè Hảo Đạt được sản xuất theo chuẩn VietGap, được kiểm định, phân tích mẫu chè sát sao nên đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng”, bà Hảo vui vẻ nói thêm với chúng tôi.
Sản phẩm chè Hảo Đạt được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. |
Bà cũng không quên khoe rằng kênh thương mại điện tử đã góp phần giúp Hợp tác xã tạo công việc ổn định cho người dân địa phương, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập từ mức 3 – 3,5 triệu đồng/tháng trước kia lên mức 6 – 8 triệu đồng/tháng.
Phát triển hộ sản xuất nông sản số
Một điểm chung của Miến Việt Cường và Chè Hảo Đạt là cả hai hợp tác xã này đều đã và đang nhận được sự hỗ trợ, tập huấn cách thức kinh doanh trên sàn Postmart.vn từ Bưu điện tỉnh Thái Nguyên.
“Năm 2021, sau khi khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Quyết định số 1034, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã công bố Kế hoạch số 177 để hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở TT&TT, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân… để thúc đẩy việc hỗ trợ bà con đưa sản phẩm lên sàn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh. Những sản phẩm được đón nhận trên sàn thương mại điện tử nhiều nhất là chè Thái Nguyên. Đối với các sản phẩm nông sản khác ngoài sản phẩm chè, ví dụ như miến, bún, mì khô… thì chúng tôi cũng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh để cùng với các hợp tác xã đào tạo, tập huấn, hướng dẫn bà con tạo tài khoản để có thể trao đổi, mua bán sản phẩm, kể cả nguyên vật liệu đầu vào trên sàn thương mại điện tử”, bà Nguyễn Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Nhân viên Bưu điện hướng dẫn lãnh đạo Hợp tác xã Miến Việt Cường cách tăng hiệu quả khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. |
Cũng theo bà Ngọc, hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 129 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Năm 2022, Bưu điện tỉnh sẽ đẩy mạnh bán 129 sản phẩm OCOP này trên sàn Postmart.vn. Đồng thời tiếp tục mở rộng các hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn để đưa được nhiều sản phẩm nông sản hơn nữa lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ bà con nông dân trong việc thực hiện kinh tế số ở nông thôn.
Khẳng định chuyển đổi số nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cung cấp thông tin về một số kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Nhân viên Bưu điện hướng dẫn cách tạo hình ảnh đẹp cho sản phẩm chè Hảo Đạt để tăng độ hấp dẫn khi quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử. |
“Trong giai đoạn vừa rồi, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan khác tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các hộ sản xuất nông sản lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hỗ trợ các sản phẩm OCOP lên sàn. Chẳng hạn như hỗ trợ đăng ký tên miền, đào tạo kỹ năng số… Triển khai thực hiện Kế hoạch 177 của UBND tỉnh, hai sàn Postmart.vn và Vỏ Sò (Voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel - PV) đã hỗ trợ đào tạo gần 100.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Và theo thống kê mới nhất, đến tháng 2 vừa rồi, cả 2 sàn đã hỗ trợ đưa 55.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn mở gian hàng, khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn. Người nông dân đã dần hình thành thói quen mới, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, trên không gian số”, ông Hiếu nêu số liệu cụ thể.
Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đặt mục tiêu năm 2022 sẽ vào Top 5 – 10 địa phương trong cả nước về đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Một trong những nội dung trọng tâm hướng tới của tỉnh này là xây dựng và phát triển mạnh lực lượng hộ sản xuất nông sản số.
“Nội hàm của hộ sản xuất nông sản số của Thái Nguyên được định nghĩa bằng ba tiêu chí: Có kỹ năng số; có gian hàng số, có công cụ thanh toán số. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế số, thanh toán số, cùng với các hoạt động phát triển thương mại. Chúng tôi tin những nỗ lực này sẽ góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên tin tưởng bày tỏ.
Thái Nguyên hợp lực đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
Hội nghị Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra ngày 18 - 19/3 tới sẽ có sự tham gia của nhiều sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Bài và ảnh: Bình Minh