Mô hình phù hợp với người cao tuổi

Ra đời từ năm 2016 theo Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB), theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016  và Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 theo Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Sau gần 10 năm, các loại hình CLB giúp nhau làm kinh tế nói chung, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau nói riêng đã phát huy tác dụng tại nhiều địa phương.

CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã phát huy tác dụng tại nhiều địa phương. 

Điều đáng chú ý, thành viên nòng cốt của các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở địa phương thì NCT đóng vai trò nòng cốt. Cụ thể, là tổ chức xã hội, hoạt động trong phạm vi cả nước, trong đó NCT đóng vai trò lãnh đạo và hoạt động trên tinh thần tương thân, tương ái; thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT. Do vậy, từ nhiều năm qua mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã trở thành điểm tựa cho NCT ở các địa phương không chỉ về việc giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn là cầu nối phục vụ công tác chăm sóc NCT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Mền (72 tuổi, ở Bình Lục, Hà Nam) cho biết, ngoài tham gia Hội Cựu chiến binh, ông cũng là người đứng ra thành lập CLB Liên thế hệ tự giúp nhau với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ đồng đội phát triển kinh tế, đồng thời kết nạp thêm các thành viên là NCT của địa phương cùng tham gia giúp nhau làm giàu và chăm sóc sức khỏe. Qua 8 năm thành lập, CLB đã giúp đỡ được cho hàng trăm lượt thành viên với số tiền đóng góp, huy động và trao đổi lên tới cả tỉ đồng giúp các thành viên đào ao nuôi cá; xây dựng mô hình VAC (vườn ao chuồng); trồng cây ăn quả hay sản xuất kinh doanh. 

Theo mục tiêu của Bộ LĐTB&XH, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phấn đấu đến năm 2025 sẽ có mặt ở 95% các tỉnh, thành phố trong cả nước; có thêm ít nhất 3.000 CLB mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là NCT. Đáng chú ý, không chạy theo số lượng mà mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phát triển theo hướng thực chất khi số lượng CLB tăng dần qua các năm nhờ tính hiệu quả thiết thực và ý nghĩa của nó. Chỉ tính riêng 3 năm dịch bệnh Covid-19, cả nước đã có tới 2.800 CLB và dự kiến có thêm 3.226 CLB trước năm 2025.

Đứng ở góc độ thành viên, ông Nguyễn Văn Thao (64 tuổi, quê Tam Nông, Phú Thọ) cho biết: “Hiệu quả rất lớn của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã giúp cho rất nhiều NCT có hoàn cảnh khó khăn như tôi nhận được sự giúp đỡ từ những người thuộc thế hệ trẻ, từ cộng đồng, giải quyết các nhu cầu an sinh xã hội tại cơ sở, góp phần làm tốt công tác chăm sóc NCT. Riêng bản thân tôi được vay vốn 183 triệu đồng để phát triển kinh tế, thoát nghèo và dần trở thành cá nhân điển hình của mô hình nông hộ tại địa phương”.

Điểm tựa của người cao tuổi

Theo báo cáo nhanh của các địa phương khi xây dựng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, đúng như tên gọi của CLB là “liên thế hệ” giúp nhau, trong đó vai trò của NCT là nòng cốt. NCT có vai trò quy tụ thành viên, các thế hệ trẻ tham gia đóng góp ủng hộ phong trào từ kinh phí hoạt động, từ nguồn lực lao động xây dựng phong trào. Đơn cử, nếu một số CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở nông thôn chú trọng hỗ trợ cho các thành viên khó khăn vay vốn để chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, khám chữa bệnh... thì các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở thành phố lại tập trung cải thiện đời sống tinh thần cho thành viên NCT.

Khi tham gia CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, nhiều thành viên đã được giới thiệu việc làm, có thêm thu nhập thoát nghèo. 

Ông Nguyễn Văn Hiền (69 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – một người đam mê cờ tướng vốn hay ngồi chơi ở vỉa hè góc đường Trần Hưng Đạo chia sẻ: "Ở mỗi phường đều có những CLB tuổi già, nhưng kiếm người đồng sở thích, đồng trang lứa và đồng quan điểm để tâm sự, sẻ chia là việc không dễ dàng. Sống ở cộng đồng khu phố bây giờ chúng tôi chỉ cần được tạo điều kiện tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích; tham gia các CLB của NCT và sinh hoạt với bạn già đúng nghĩa đã là hạnh phúc lắm rồi".

Đứng ở góc độ chính quyền cơ sở, Chủ tịch Hội NCT huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) Trần Văn Lâm cho rằng: “CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một mô hình hoạt động có hiệu quả, cần được phát huy và nhân rộng dưới nhiều hình thức. Qua 7 năm triển khai từ năm 2016 đến nay, huyện Nga Sơn hiện đã có 43 CLB Liên thế hệ tự giúp đỡ nhau với 50-70 thành viên/CLB. Sau thời gian hoạt động, các CLB đã thu hút được gần 5.000 thành viên. Từ số vốn hỗ trợ ban đầu, đến nay nhờ xã hội hóa cũng như sáng tạo trong hoạt động, tổng số quỹ của 43 CLB đã lên tới vài chục tỷ đồng".

Cũng theo ông Lâm, khi tham gia hội nhiều thành viên đã được giới thiệu việc làm, có thêm thu nhập thoát nghèo. Riêng các thành viên là NCT, khi sinh hoạt họ được các tình nguyện viên trẻ hơn của CLB cung cấp nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe, động viên, giúp đỡ như: giúp việc nhà, việc đồng áng, chăm sóc y tế đơn giản... Bên cạnh đó, các CLB cũng rất quan tâm thực hiện công tác vệ sinh môi trường (vệ sinh khu dân cư, quét dọn khu vực đình làng, nhà văn hóa, ngõ xóm; trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tham gia xây dựng các tiết chế nông thôn mới…)

Khánh Hòa và nhóm PV, BTV